Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2024, Việt Nam xuất khẩu được 1,88 triệu tấn cao su, thu về 3,18 tỷ USD, giảm 5,9% về lượng nhưng lại tăng 17,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Mức tăng trưởng này do giá xuất khẩu trung bình cao su tăng 25,2% so với cùng kỳ, từ 1.347 USD/tấn tại kỳ trước lên 1.687 USD/tấn tại kỳ này.
Về thị trường, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,25 triệu tấn cao su với kim ngạch 2,07 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, giảm sâu 15,5% về lượng nhưng kim ngạch vẫn tăng 5,5%. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su chủ lực của Việt Nam khi chiếm 70% tỷ trọng về lượng xuất khẩu.
Ấn Độ là thi trường xuất khẩu cao su lớn thứ hai với 117.249 tấn, kim ngạch đạt 201,5 triệu USD, tăng lần lượt 17,2% về lượng và 45,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Lượng và cao su xuất khẩu sang Malaysia trong kỳ ghi nhận tăng tới 365% về lượng và 427% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt 29.735 tấn với kim ngạch 43 triệu USD.
Tại khối ASEAN, trong top 10 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam còn có Indonesia với 21.847 tấn, đạt giá trị 41,2 triệu USD, tăng lần lượt 59,7% YoY về lượng và 82,2% YoY về kim ngạch.
Kết quả xuất khẩu cao su của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nguồn cung cao su thế giới ở mức thấp trong khi nhu cầu cao, điều này hỗ trợ giá xuất khẩu mặt hàng này tăng.
Theo báo cáo ngành cao su công bố cuối tháng 11/2024 của PHS (Phú Hưng Securities), các nông trường cao su trọng yếu tại Đông Nam Á liên tục chịu ảnh hưởng từ mưa bão kể từ tháng 8/2024, dẫn đến những lo ngại về khả năng cung ứng nguyên liệu trong quý 4/2024 và nửa đầu năm 2025.
Trong khi đó, tại báo cáo tháng 10/2024 của MBS Research, nguồn cung cao su toàn cầu năm 2024 được dự báo tăng trưởng ở mức thấp 0,4% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện khí hậu kém thuận lợi trong giai đoạn pha El Nino chuyển sang pha La Nina; bệnh rụng lá lan rộng tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng cao su; người dân trồng cao su tại nhiều nước như Thái Lan, Indonesia và Malaysia chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại.
Trong bối cảnh trên, nhu cầu cao su toàn cầu được dự báo sẽ tăng 2,3% nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc khi nước này đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, các quốc gia sản xuất lớn trên thế giới cũng đang chuyển đổi đất trồng cao su sang mục đích khác. Điều này có thể sẽ đẩy giá cao su tăng trong dài hạn.
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), diện tích trồng cao su của Việt Nam là 910.000 ha với diện tích khai thác là khoảng 70 - 75%, sản lượng mủ cao su đạt 1,3 triệu tấn/năm. Bên cạnh lượng tiêu thụ trong nước là khoảng hơn 300.000 tấn/năm, sản lượng cao su còn lại phục vụ để xuất khẩu.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất cao su đầu ngành tại Việt Nam. Theo báo cáo hồi tháng 6/2024 của SSI Resaerch, tổng diện tích trồng cao su của GVR hiện là 394.782 ha với sản lượng bình quân đạt 500.000 tấn/năm, chiếm khoảng 30% sản lượng cao su của Việt Nam. Ngoài thị trường trong nước, GVR còn có các dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia
Trong quý 3/2024, GVR thu về 7.715 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó doanh thu mủ cao su đạt 6.168 tỷ đồng (chiếm 79% tỷ trọng), tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, GVR đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 24.999 tỷ đồng (tăng 1% YoY) và 3.437 tỷ đồng (tăng 2% YoY).
Năm 2025, GVR đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 28.575 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.051 tỷ đồng. Luỹ kế giai đoạn 2021 - 2025, tổng doanh thu hợp nhất của GVR ước đạt 135.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn này đạt 25.075 tỷ đồng.