8 tỉnh Tây Bắc mở rộng xúc tiến du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: Báo Phụ nữ. |
Nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu, kết nối du lịch giữa vùng Tây Bắc với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL vào ngày 9/4 vừa qua tại Cần Thơ.
Hội nghị “Xúc tiến, kết nối du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long” chiều 9/4. |
Tại hội nghị, đại diện 8 tỉnh đã mang đến các thông tin về du lịch của từng địa phương. Đây là vùng đất sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng.
Trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên, văn hóa độc đáo đó, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng mong muốn sẽ kết nối tốt với vùng ĐBSCL, tạo nên chuỗi các tour, tuyến sản phẩm du lịch độc đáo ở các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…
Biểu diễn các tiết mục văn nghệ Tây Bắc phục vụ du khách TP Cần Thơ. Nguồn: Báo Phụ nữ. |
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, Đại diện cho Trưởng nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cho biết, với quan điểm nhất quán luôn coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, coi trọng hợp tác liên kết phát triển du lịch là xu thế tất yếu, mong rằng, qua hội nghị cũng như các chương trình hấp dẫn tại “Tuần Du lịch Văn hóa Tây Bắc năm 2023”, Tây Bắc và ĐBSCL sẽ có sự trao đổi lượng khách du lịch đến và trải nghiệm sự độc đáo.
“Chúng ta có thể đưa văn hóa vùng miền ở đây là những giọng hò, điệu lý của người Nam bộ, miền sông nước lên tới Lào Cai để đổi mới sản phẩm, hoặc chúng tôi sẽ đưa những đoàn nghệ thuật dân tộc của tỉnh Lào Cai về đây giao lưu. Từ đó, chúng ta có thể gắn kết, tạo ra những sản phẩm, tại một miệt vườn của ĐBSCL được nghe những tiếng khèn môi và tiếng sáo của người Mông ở Sa Pa và tại Sa Pa chúng tôi lại được nghe đờn ca tài tử”, ông Hà Văn Thắng nói.
Đại diện cụm du lịch ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện thông tin, ĐBSCL là vùng đất có phong tục tập quán lâu đời, có nhiều di tích văn hóa - lịch sử, lễ hội và nét văn hóa đặc trưng, sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc và nổi tiếng với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, ẩm thực dân gian... đã hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 103 của Chính phủ về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, hoạt động du lịch của vùng ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực.
Các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng, từng bước đưa thương hiệu du lịch vùng ĐBSCL đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch là mở rộng hợp tác liên tỉnh, liên vùng.
"Do vậy, Hội nghị là dịp rất thuận lợi để các địa phương, nhà đầu tư, các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ du lịch giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phát triển du lịch. Từ đó, Tây Bắc – Tây Nam bộ cùng tạo nên chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng có chất lượng, từng bước đưa thương hiệu du lịch hai vùng đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế", ông Nguyễn Văn Hiện cho hay.
Năm 2022, TP Cần Thơ đón hơn 5,1 triệu lượt khách tham quan, tăng 142% so với cùng kỳ, đạt 128% kế hoạch năm.
Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 2,5 triệu lượt khách, tăng 179% so với cùng kỳ, đạt 125% kế hoạch năm với tổng doanh thu du lịch đạt trên 4.100 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố.