Theo TS. Nuno F. Ribeiro, trí tuệ nhân tạo (AI) đang "cách mạng hóa" ngành du lịch với nhiều lợi ích cho cả du khách và doanh nghiệp. Đối với du khách, AI nâng cao toàn bộ trải nghiệm du lịch bằng cách cá nhân hóa các đề xuất và lịch trình. Thông qua việc phân tích những yếu tố như ngày đi, ngân sách và sở thích cá nhân, các hệ thống sử dụng AI có thể đưa ra kế hoạch du lịch phù hợp cho từng du khách và có tích hợp liền mạch với các nền tảng đặt chỗ. Nhờ vậy mà quá trình từ lập kế hoạch đến đặt chỗ sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn.
Ngoài ra, các chatbot và trợ lý ảo do AI điều khiển cũng cung cấp hỗ trợ theo thời gian thực, giúp du khách nghiên cứu, đặt chỗ và tùy chỉnh suốt chuyến đi.
Đối với doanh nghiệp du lịch, thuật toán AI có thể xử lý những tập dữ liệu lớn để dự đoán thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời cho phép định giá động để quản trị tối ưu doanh thu và triển khai các chiến lược tiếp thị có chủ đích chính xác, từ đó giảm thiểu ảnh hưởng từ biến động theo mùa.
Các hãng hàng không cũng có thể tận dụng các công cụ tích hợp AI để dự đoán chuyến bay trễ và hành vi đặt phòng của khách hàng. Nhiều khách sạn đã bắt đầu triển khai hệ thống làm thủ tục nhận phòng do AI hỗ trợ và robot lễ tân để cải thiện dịch vụ khách hàng. Hơn nữa, AI có thể phân tích phản hồi của khách hàng, dư luận trên mạng xã hội và xu hướng trực tuyến để xác định những mảng cần phải cải thiện, qua đó giúp doanh nghiệp tinh chỉnh dịch vụ mà họ cung cấp.
Ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, với lượng khách quốc tế gần bằng mức trước đại dịch. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN. |
TS. Nuno F. Ribeiro nhận định, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc với lượng khách quốc tế gần bằng mức trước đại dịch. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong tháng 9/2024, Việt Nam đón gần 1,3 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng số khách quốc tế đạt hơn 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn con số 12,6 triệu lượt của cả năm 2023.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn mà ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt là tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam vẫn ở mức thấp, dao động dưới 10%, trái ngược với các quốc gia như Malaysia và Thái Lan. Khoảng 28% du khách đã đến Thái Lan vào năm 2023 cho biết họ có ý định quay lại trong 12 tháng tới. Đối với nhóm khách du lịch văn hóa, ý định quay lại Thái Lan thậm chí còn lớn hơn với mức 59,42%.
“Nguyên nhân đằng sau sự chênh lệch này khá phức tạp. Chúng có thể bao gồm những yếu tố như sức hấp dẫn của các điểm đến, tính thuận tiện của hệ thống giao thông, tình hình đào tạo nguồn nhân lực, rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, chất lượng nơi lưu trú và tính khả dụng của cơ sở hạ tầng du lịch," chuyên gia của RMIT viết.
AI sẽ giúp giải quyết 4 rào cản ngành du lịch
Theo TS. Nuno F. Ribeiro, AI có thể trở thành “trợ thủ” đắc lực để đối phó với những thách thức nêu trên. Đó là giải quyết rào cản ngôn ngữ, thu hẹp khoảng cách văn hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng tầm trải nghiệm của khách du lịch.
“Với hệ thống thanh điệu phức tạp, chữ viết độc đáo và ngữ pháp riêng biệt, tiếng Việt là một thách thức đối với hầu hết du khách quốc tế. Bên ngoài các trung tâm du lịch lớn, du khách có thể gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc điều hướng nếu không biết tiếng Việt. Rào cản ngôn ngữ này không chỉ gây khó khăn về giao tiếp mà còn dẫn đến hiểu lầm về văn hóa và khiến du khách không kết nối được với bản sắc địa phương”. |
TS. Nuno F. Ribeiro, Giảng viên cấp cao tại Đại học RMIT |
Không chỉ về rào cản ngôn ngữ, du khách quốc tế có thể gặp khó khăn khi tiếp xúc với các chuẩn mực xã hội, nghi thức và sắc thái văn hóa địa phương, khiến họ có thể rơi vào các tình huống hiểu lầm hoặc bỏ lỡ cơ hội tương tác sâu hơn.
Cuối năm 2023, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát triển công nghệ dịch máy tiên tiến dựa trên AI có thể dịch hai chiều từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ trong khu vực như tiếng Lào, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Malaysia, tiếng Indonesia cũng như tiếng Anh.
Nhờ thuật toán học tập thích ứng, nhận thức theo ngữ cảnh, cố vấn văn hóa ảo, những ứng dụng trợ lý số dựa trên AI có thể đóng vai trò hướng dẫn viên văn hóa, cung cấp thông tin chi tiết, phù hợp với văn hóa, lịch sử và phong tục của từng địa phương.
Hằng năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp các chương trình du lịch và khách sạn tại Việt Nam. Trong khi đó, ngành này cần tối thiểu 40.000 nhân viên mới mỗi năm để đáp ứng nhu cầu. Sự thiếu hụt này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tính đồng đều của dịch vụ - vốn là những yếu tố quan trọng để tạo ra những trải nghiệm du lịch đáng nhớ, từ đó khuyến khích du khách quay lại.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, AI có thể cách mạng hóa các chương trình đào tạo nhân viên du lịch và khách sạn với lộ trình học tập được cá nhân hóa, mô phỏng thực tế ảo và đánh giá, phản hồi liên tục theo thời gian thực.
Công nghệ AI có thể đem đến trải nghiệm văn hóa được cá nhân hóa thông qua phân tích dự đoán. Các hệ thống AI có thể liên tục cập nhật các đề xuất dựa trên dữ liệu thời gian thực, chẳng hạn điều kiện thời tiết, sự kiện địa phương và mức độ đông đúc, đảm bảo du khách luôn có thể truy cập vào các trải nghiệm văn hóa tối ưu.
Hơn nữa, bằng cách phân tích lượng lớn dữ liệu người dùng, AI có thể xác định những đặc điểm chính trong sở thích của du khách, cho phép tạo ra các lộ trình được cá nhân hóa cao, phù hợp với mối quan tâm văn hóa và phong cách tiếp nhận kiến thức của từng cá nhân.
“Việc tích hợp công nghệ AI vào ngành du lịch của Việt Nam không chỉ đơn thuần giải quyết các thách thức hiện tại, mà còn đưa Việt Nam lên vị trí tiên phong trong đổi mới du lịch Đông Nam Á. Cách tiếp cận sử dụng công nghệ tiên tiến như vậy có thể đưa Việt Nam từ nơi chỉ đến một lần trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới mà du khách sẽ quay lại nhiều lần,” TS. Nuno F. Ribeiro nêu quan điểm.