Sáng ngày 9/5, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (UpCom: ACV) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Năm 2023, ACV lên kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ đạt 19.360 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8.488 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 12% so với năm 2022. Kế hoạch tổng thu từ phí cất hạ cánh (thuộc tài sản khu bay) đạt 2.681 tỷ đồng, tăng trưởng 20,3% so với cùng kỳ.
Công ty nhấn mạnh, chương trình hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam (giảm 50% phí cất hạ cánh) đã kết thúc trong năm 2022. Do đó, phí cất hạ cánh trở lại mức bình thường đối với các hãng hàng không Việt Nam, cùng với số chuyến bay quốc tế gia tăng, sẽ là động lực tăng trưởng chính đối với doanh thu tài sản khu bay.
Cổ đông của ACV cũng thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng số lượng hành khách qua các cảng hàng không mà doanh nghiệp quản lý là 118 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2022 và vượt năm 2019.
Vận chuyển hàng hoá dự kiến khoảng 1.353 tấn, bằng 98% kết quả cùng kỳ, do việc chậm lại của xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến vận tải hàng hoá. Bên cạnh đó, mục tiêu hạ cất cánh tăng 17%, đạt 777.000 lượt.
Đại hội cũng thông qua nhu cầu vốn đầu tư năm 2023 của ACV, dự kiến khoảng 33.000 tỷ đồng cho các dự án cảng hàng không trọng điểm.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cũng cho biết ACV sẽ sớm đưa tài sản khu bay hợp nhất về ACV theo quyết định năm 2007. Tập trung thu hồi công nợ để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh, hạn chế tối đa trích lập dự phòng.
Báo cáo các cấp thẩm quyền về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2022 nhằm tích luỹ tối đa nguồn lực để đầu tư.
Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi về kế hoạch niêm yết trên HoSE của ACV, ông Vũ Thế Phiệt cho biết ACV sẽ niêm yết khi có đủ điều kiện. Hiện nay, báo cáo tài chính của công ty vẫn còn ý kiến của kiểm toán về quyết toán cổ phần hoá và tài sản khu bay nên cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo lợi ích của cổ đông. ACV cũng sẽ báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để có thể niêm yết trên HoSE khi đủ điều kiện.
Về việc nợ xấu tăng nhanh ở năm 2022 và biện pháp xử lý, ông Phiệt cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt, giai đoạn 2020-2021, các hãng hàng không chịu tác động rất lớn, nên công ty có chính sách chia sẻ chung.
Hiện nay, hoạt động bay đã trở lại, ACV đang có kế hoạch thu hồi nợ và các hãng hàng không cũng đang có các đề xuất để có thể vừa chia sẻ, vừa thu hồi được công nợ. Đảm bảo lành mạnh tài chính cũng như nuôi dưỡng nguồn thu cho ACV, tạo điều kiện để các hãng phát triển.
ACV sẽ có chính sách giãn, hoãn, khoanh lại nợ cũ với thời gian trả nợ hợp lý nhưng, doanh thu mới thì công ty thu đúng, thu đủ. Hy vọng hết năm nay, nợ xấu sẽ giảm và không phát sinh nợ mới, đồng thời có lộ trình thanh toán nợ cũ phù hợp.
Về tiến độ và tổng mức đầu tư các dự án của ACV trong năm nay, ông Phiệt cho biết hiện nay ACV chỉ tập trung 6 dự án trọng điểm gồm nhà ga T2 sân bay Phú Bài đã hoàn thành và đưa vào khai thác; nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 20 triệu khách.
Sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư 1.467 tỷ đồng; nhà ga T2 sân bay Nội Bài mức đầu tư 5.000 tỷ đồng và dự kiến dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2025; nhà ga T2 sân bay Cát Bi mức đầu tư dự kiến 2.400 tỷ đồng, đang báo cáo cơ quan có thẩm quyền để duyệt dự án.
Còn, sân bay Long Thành hiện nay khó khăn lớn nhất là chọn nhà thầu cho gói thầu nhà ga 5.10, nhưng kỳ vọng sẽ chọn được nhà thầu trong quý 2 hoặc đầu quý 3/2023.
Chia sẻ thêm về tình hình đấu thầu nhà ga Long Thành, Tổng giám đốc ACV cho hay việc đấu thầu lần hai đã phát hành hồ sơ và dự kiến ngày 12/6 sẽ nộp hồ sơ chào thầu. ACV cũng đã tổ chức hội nghị tiền đấu thầu với sự tham gia của 29 nhà thầu để lắng nghe ý kiến. Các gói thầu liên quan đường băng, sân đỗ cũng sẽ được phát hành trong thời gian tới.
Cổ đông thắc mắc về kế hoạch hoạt động sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sân bay Long Thành hoạt động, liệu mở rộng nhà ga T3 có khiến công suất dư thừa hay không? Ông Phiệt cho biết sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải, số lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất năm 2019 khoảng 41 triệu khách, trong đó có 25 triệu hành khách quốc nội và 16 triệu hành khách quốc tế. Công suất chung của hai nhà ga chỉ là 28 triệu, đặc biệt ga quốc nội là 15 triệu, quốc tế là 13 triệu.
Đến năm 2030 và quy hoạch chung thì sản lượng hành khách Tân Sơn Nhất sẽ vượt cả quốc nội và quốc ngoại. Trong khi năm 2022, sản lượng hành khách quốc nội đã vượt 25 triệu so với 2019.
Như vậy, khi ACV xây dựng tiến độ nhà ga T3 là cuối năm 2024 sẽ xong, với sản lượng nội địa chuyển Long Thành khi xây dựng xong thì dự báo sản lượng nội địa từ nay đến 2030 sẽ đạt 50 triệu hành khách do đó sẽ không có câu chuyện dư thừa.
Đối với câu chuyện khai thác sân bay Long Thành, theo báo cáo dự kiến, Long Thành sẽ phục vụ cho 90% khách quốc tế của khu vực Đông Nam Bộ và 10% nội địa, còn Tân Sơn Nhất là 90% nội địa và 10% khách quốc tế.
Ông Phiệt khẳng định với quy hoạch của Tân Sơn Nhất từ nay đến 2050 không mở rộng thêm thì chắc chắn khai thác nhà ga T3 sẽ rất hiệu quả, cũng như song hành cùng với sân bay Long Thành.