ADB cắt giảm dự báo tăng trưởng cho toàn bộ khu vực châu Á trong báo cáo mới nhất ngày 20/9. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Theo Nikkei Asia trích dẫn báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á công bố hôm 20/9 của ADB, tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á trong năm 2023 đã được hạ từ 4,8% xuống 4.7%, phản ánh sự chậm lại của các nền kinh tế trên toàn khu vực này. Ngân hàng này cũng đưa ra cảnh báo sự phục hồi tiêu dùng sau đại dịch trên toàn khu vực đang "nhanh chóng mất đà".
Tăng trưởng ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, được dự đoán sẽ chậm hơn trong năm nay ở mức 4,9%. Con số này thấp hơn so với mức dự báo 5% trong báo cáo tháng 4 của ADB do “đà suy yếu của nhu cầu trong nước, những trở ngại từ nhu cầu toàn cầu yếu hơn và những điều chỉnh trong lĩnh vực bất động sản”.
Trong khi đó, ước tính tăng trưởng của Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực, giảm xuống 6,3% từ mức 6,4% trong năm nay. Kỳ vọng tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2024 được giữ ở mức 6,7%.
ADB cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á từ 4.7% xuống 4,6% trong năm 2023 do nhu cầu xuất khẩu giảm. Đối với Việt Nam, dự báo tăng trưởng được cắt giảm từ 6,5% xuống 5,8% trong năm nay do sự phụ thuộc vào thương mại.
Nhận định về việc cắt giảm triển vọng, ABD cho biết: “Sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang đè nặng lên triển vọng khu vực trong khi lãi suất toàn cầu cao đã làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính”.
Trong bối cảnh đó, “sự gián đoạn nguồn cung lẻ tẻ do chiến dịch quân sự đặc biệt Nga tiến hành tại Ukraine, các lệnh hạn chế xuất khẩu và nguy cơ hạn hán và lũ lụt gia tăng do El Nino gây ra có thể một lần nữa khiến giá lương thực tăng cao và gây ra thách thức tới an ninh lương thực”.
Dù vậy, tổ chức này cảnh báo các chính phủ không nên can thiệp về mặt chính sách do El Nino có rất nhiều rủi ro. Nikkei Asia dẫn lời nhà kinh tế trưởng của ADB Albert Park cho biết, các hạn chế xuất khẩu “có thể giữ nguồn cung trong nước cao hơn một chút” nhưng “tạo ra mức giá cao hơn trên thị trường quốc tế”. Thay vào đó, ông cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi các nước tập trung vào các biện pháp can thiệp có mục tiêu hơn để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương”.
Bất chấp các dấu hiệu tiêu cực, ADB dự báo lạm phát chung trong khu vực sẽ giảm xuống còn 3,6% trong năm nay, cải thiện đáng kể so với ngưỡng 4,2% trong báo cáo tháng 4. Tới năm 2024, ADB dự báo lạm phát sẽ tiếp tục giảm xuống ngưỡng 3,5%, với nguyên nhân “phần lớn là do lạm phát thấp tại Trung Quốc cùng với sự ổn định của giá năng lượng và lương thực”.