![]() |
Agribank cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi từ 2,4%/năm. Ảnh: Agribank |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa thông báo triển khai chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất từ 2,4%/năm, áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Chương trình giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính khi chuyển đổi khoản vay từ tổ chức tín dụng khác sang Agribank.
Cụ thể, lãi suất vay ngắn hạn tại Agribank được áp dụng từ 2,4%/năm, vay trung dài hạn từ 6%/năm với thời gian ưu đãi cố định lên đến 24 tháng. Hạn mức cho vay tối đa tương ứng dư nợ gốc tại tổ chức tín dụng cũ, kể cả phần chưa giải ngân sẽ tiếp tục được thực hiện tại Agribank.
Ngoài ra, khách hàng vay ngắn hạn được ưu đãi về tài sản đảm bảo theo quy định từng thời kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tại Agribank được hưởng thêm ưu đãi lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, ưu đãi tỷ giá ngoại tệ và miễn/giảm đến 100% phí thanh toán quốc tế. Chương trình kỳ vọng sẽ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
Trước đó, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ mới đây, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngoài lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngân hàng này sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm như hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo. Đồng thời, Agribank tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý và triển khai 9 chương trình tín dụng với quy mô trên 350.000 tỷ đồng, áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-2% so với thông thường để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Về vấn đề nợ xấu, ông Vượng cho biết dù Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý và thu hồi, nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng gia tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành. Đặc biệt, thiệt hại từ cơn bão số 3 năm 2024 (bão Yagi) đã làm gia tăng rủi ro tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của khách hàng. Khi chỉ còn một năm để hoàn thành phương án cơ cấu lại ngân hàng, việc kéo tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vẫn là một thách thức lớn, nhất là khi các quy định pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi nợ xấu chưa hoàn thiện.
Vì vậy, CEO Agribank đề xuất Chính phủ và Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ tổ chức tín dụng xử lý dứt điểm nợ xấu, tạo hành lang pháp lý rõ ràng giúp ngân hàng thu hồi tài sản bảo đảm hiệu quả hơn.
Trong năm 2024, Agribank đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao, kết quả đạt cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, tổng tài sản của Agribank đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 10%; nguồn vốn đạt trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11%, trong đó 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông", chú trọng dành nguồn vốn phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát triển công nghiệp, kinh doanh bất động sản, hoạt động tiêu dùng, dịch vụ…
Đến năm 2024, Agribank được cấp bổ sung đủ 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch, nâng tổng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng, góp phần nâng cao năng lực tài chính, tạo tiền đề phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 16% và đã giao cho Agribank mức tăng gần 13%, tương đương hơn 200.000 tỷ đồng. Trước áp lực tăng trưởng tín dụng, ông Vượng cho hay, để đáp ứng nhu cầu mở rộng cho vay, Agribank cần bổ sung 15.000-17.000 tỷ đồng vốn tự có mỗi năm.
Do đó, đại diện Agribank kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, trong đó cho phép ngân hàng được bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận thực nộp hàng năm, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2025.