Nếu quan sát những bức tranh do AI tạo ra, nhiều người có thể sẽ không nhận ra nó được tạo ra bởi máy tính chứ không phải con người. Điều này xảy ra bởi khác biệt giữa một tác phẩm do máy tính tạo ra và con người tạo ra là không quá lớn. Xu hướng sử dụng AI trong nghệ thuật, đặc biệt là trong hội họa đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới nói chung và trong giới nghệ thuật nói riêng.
Từ những năm 1970 khi AI mới chỉ là một khả năng hay một khái niệm, hiện nó đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh đang phát triển mạnh và có tiềm năng ngày càng lớn trong tương lai. Trên thực tế, có ngày càng nhiều các tác phẩm do AI tạo ra giành được chiến thắng trong các cuộc thi nghệ thuật kỹ thuật số và đem lại số tiền khổng lồ trong các cuộc đấu giá.
Một ví dụ nổi tiếng nhất có thể kể tới là bức "Edmond de Belamy" - một bức chân dung mô tả hình ảnh mờ ảo của một người đàn ông mặc áo sơ mi đen và cổ trắng được tạo ra bởi AI. Vào năm 2018, bức tranh này được bán đấu giá với mức giá lên tới 432.000 USD, một con số khổng lồ so với ước tính ban đầu ở ngưỡng 7.000 - 10.000 USD.
Với những nhà sáng tạo nội dung ủng hộ công nghệ này, AI mang tính đột phá. Tuy nhiên với những người khác, nó đã làm dấy lên cuộc tranh luận về tương lai của nghệ thuật và đặc biệt vai trò của con người so với máy móc trong việc sáng tạo các giá trị nghệ thuật. Trên hết, những tiến bộ trong AI cũng đã làm dấy lên những lo ngại về các tác động đạo đức và pháp lý của việc đồng sáng tạo nghệ thuật với máy móc.
Bức Théâtre D'opéra Spatial do AI vẽ bởi tác giả Jason Allen. |
Cơ chế sáng tạo của AI
Trên thực tế, AI nghệ thuật đang được coi như “một miền tây hoang dã” do nó là một lĩnh vực vẫn còn rất mới và chưa có nhiều quy định liên quan. Việc sáng tạo nghệ thuật của AI gây ra nhiều lo ngại do nó bắt nguồn từ bản chất quá trình tạo ra tác phẩm của công nghệ này.
Cụ thể, người dùng sẽ sử dụng công nghệ machine learning, trong đó các thuật toán và công cụ tạo nghệ thuật từ trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích dữ liệu trên Internet, từ đó tạo ra hàng nghìn hình ảnh trước khi chọn và tinh chỉnh những hình ảnh theo yêu cầu của chủ sở hữu.
Điều này tương đương với việc AI sẽ bắt chước phong cách nghệ sĩ bằng cách sử dụng nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ con người để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật mới. Chính điều này đã làm dấy lên quan ngại của nhiều người trong ngành về hành vi trộm cắp kỹ thuật số.
Dù có một số họa sĩ đang cố gắng duy trì nguyên tắc hết mức có thể trong việc sử dụng các tác phẩm có bản quyền, sẽ rất khó để xác định cụ thể việc dữ liệu mà AI nghiên cứu để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có đúng là dữ liệu miễn phí hay được cho phép không.
Cũng do lĩnh vực này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, luật bản quyền ở Mỹ và Liên minh Châu Âu không hề bao gồm các quy định rõ ràng về các tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra.
Bức tranh Edmond de Belamy do AI vẽ được bán với giá trị lên tới 432.500 USD. |
AI nghệ thuật đặt ra các câu hỏi thách thức giới hạn
Người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty công nghệ Imagination Engines Inc có trụ sở tại Missouri Stephen Thaler là một người đã từng muốn đăng ký bản quyền với một tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra.
Tuy nhiên, yêu cầu của ông đã bị từ chối bởi Ủy ban Đánh giá Bản quyền Mỹ hồi đầu năm nay 2022. Nguyên nhân được đưa ra là tác phẩm "thiếu quyền tác giả con người cần thiết để hỗ trợ khiếu nại về bản quyền".
Để một tác phẩm được coi là có bản quyền, tác phẩm đó cần phải có đủ yếu tố “gốc” độc đáo. Ví dụ, nếu một người chỉ cần nhấn 1 hoặc 2 nút đơn giản để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật với chỉ thị bằng văn bản chung chung thì nó không thể coi như hành động sáng tạo nội dung. Người đó vì vậy cũng không phải là một tác giả theo luật bản quyền của Liên minh châu Âu.
Ngược lại, nếu một người sử dụng một lời nhắc rất cụ thể, tạo ra nhiều hình ảnh, chọn lựa từ những hình ảnh đó và thực hiện các chỉnh sửa thêm, thì điều đó có thể chứng minh cho quyền tác giả.
Tuy vậy, các điều luật này vẫn là chưa đủ để có thể ngăn cản các xung đột pháp lý liên quan tới việc xâm phạm phong cách nghệ thuật và các tác phẩm phái sinh.
Ngoài ra, việc sử dụng AI ngày càng gia tăng để sản xuất bìa tạp chí, áp phích hoặc tạo logo, cũng đặt ra câu hỏi hóc búa về việc liệu công nghệ này cuối cùng có thể thay thế hoàn toàn các nghệ sĩ con người hay không.
Hồi cuối tháng 10, nghệ sĩ Jason Allen đã gây tranh cãi khi giành giải cao nhất tại Hội chợ Bang Colorado ở Mỹ với tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra mang tên Théâtre D'opéra Spatial của mình. Giải thưởng này đã khiến nhiều nghệ sĩ khác bày tỏ sự tức giận trong khi một số lo sợ về sinh kế của mình.
Mặt khác, các phần mềm tạo ra ảnh và tranh phổ biến như DALL-E của OpenAI cũng đang phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề. Nguyên nhân là do các công cụ này được đào tạo bằng cách sử dụng machine learning trên các bộ dữ liệu khổng lồ với hàng triệu hình ảnh đã được tạo bởi các nghệ sĩ con người.
Như một kết quả tất yếu, nhiều nghệ sĩ đặt ra câu hỏi liệu các công ty AI có thực sự trung thực với tuyên bố về nguồn dữ liệu hay nhận thức được rằng các hình ảnh có bản quyền đang được sử dụng cho mục đích không được cho phép hay không.
Một bức tranh được tạo ra bởi Midjourney AI bot. Ảnh: Art & Crit by Eric Wayne. |
Phản ứng của các nghệ sĩ
Đã có nhiều nghệ sĩ cảnh báo về viễn tưởng này, trong đó có nghệ sĩ đồ họa 3D và nhà sản xuất phim từng đoạt giải thưởng David OReilly. Ông cũng chính là một trong nhiều nghệ sĩ hàng đầu chỉ trích động thái của OpenAI hồi tháng 7 vừa qua khi cho phép người dùng DALL-E sử dụng tác phẩm sáng tạo cho mục đích thương mại và chuyển sang dịch vụ đăng ký trả phí.
Trong một phản ứng gay gắt, ông thậm chí còn gọi OpenAI là một “trò lừa đảo” trong một bài đăng trên Instagram, đồng thời chỉ trích công ty này đang thu lợi từ một lượng lớn “sức sáng tạo của con người”.
Khi đề xuất một giải pháp, ông cho biết các nghệ sĩ cần được đảm bảo thu được lợi nhuận từ công việc của họ, đồng thời dữ liệu được sử dụng để cải thiện các thuật toán phải được kiểm toán công khai và các nghệ sĩ được lựa chọn có đóng góp hay không.
Tuy nhiên với một số nghệ sĩ như họa sĩ minh họa và concept artist Lê Hoàng Vượng, việc sử dụng nguồn dữ liệu sạch có thể sẽ cần rất nhiều thời gian hoặc sẽ không bao giờ xảy ra. Bởi “nếu AI chỉ sử dụng kho dữ liệu được cấp phép và những nguồn dữ liệu không bản quyền, sức mạnh của AI sẽ giảm sút đáng kể và tác phẩm sinh ra cũng sẽ rất nghèo nàn, không còn hấp dẫn như hiện tại”.
Khi trả lời Mekong ASEAN về viễn cảnh AI thay thế con người và trở thành một phần không thể thiếu trong ngành nghệ thuật, anh Lê Hoàng Vượng bày thái độ cả đồng tình lẫn không đồng tình.
Cụ thể, anh nhận định: “AI có thể thế chỗ các nghệ sĩ trình độ thấp và các thợ vẽ phục vụ cho các công việc đơn giản” do nó có lợi thế lớn về tốc độ, giá cả và rất phong phú về sự lựa chọn. Nhưng nó sẽ không thể trở thành một yếu tố không thể thay thế mà thay vào đó sẽ trở thành một “lựa chọn về công cụ hỗ trợ sáng tác nghệ thuật”.
Anh Lê Hoàng Vượng cho rằng AI sẽ không thể thay thế con người do chỉ có thể làm tốt các tác phẩm nghệ thuật công nghiệp không yêu cầu chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Tuy nhiên, với một bức tranh thực thụ, người họa sĩ sẽ quan tâm tới từng chi tiết với những ý đồ nghệ thuật riêng.
Anh chia sẻ: “Đây là điều tôi cho rằng mãi mãi AI cũng không thể làm được. Biểu cảm của từng khuôn mặt, từng bàn tay, ánh sáng, các đồ vật, vv,… tất cả đều cần có ý đồ để nêu bật chủ đề chính của tác giả”.
Về dự đoán cho tương lai, anh cho rằng hiện AI đang khiến mọi người choáng ngợp một phần bởi “thị hiếu của công chúng còn khá dễ dãi, chỉ đơn giản là một hình ảnh bắt mắt và bỏ quên nội dung của tác phẩm”.
Tuy nhiên khi sản phẩm được sáng tạo bởi AI xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, anh tin rằng “thị hiếu công chúng sẽ được nâng cấp. Lúc đó các tác phẩm thực sự của nghệ sĩ, những tác phẩm được đầu tư kĩ lưỡng từ mặt hình ảnh đến nội dung thậm chí sẽ có giá trị cao hơn nhiều so với hiện tại”.