Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Susan Pointer, Phó Chủ tịch Chính sách công quốc tế của Tập đoàn Amazon. Ảnh: VGP |
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao quá trình phát triển của Amazon và sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của Tập đoàn Amazon tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu.
Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và trong cuộc hội kiến giữa Thủ tướng và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9 vừa qua, hai bên xác định hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư là trụ cột và động lực chính thúc đẩy quan hệ hai nước, hợp tác về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là một trong những đột phá mới.
Đây là nền tảng, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hai nước, trong đó có Amazon hợp tác, đầu tư phát triển.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là xu thế của thế giới, Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Việt Nam đang thúc đẩy phát triển kinh tế số, công dân số, xã hội số, chính phủ số, trong đó có phát triển thương mại điện tử, với mục tiêu phấn đấu đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Việt Nam hiện có dân số 100 triệu người với xu hướng ưa thích thương mại điện tử.
Cho rằng Amazon đã phát triển, có hệ sinh thái trên toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Amazon chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong phát triển thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới; giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử, điện toán đám mây; chia sẻ khoa học quản trị kinh doanh, quản trị hệ thống; phát triển logistics, tối ưu hóa vận hành hệ thống.
Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn Amazon hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong chuyển đổi số; xây dựng thương hiệu, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng mong muốn Amazon hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: VGP |
Cho biết tới đây Việt Nam sẽ khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Amazon tư vấn, hợp tác với Việt Nam bằng những dự án cụ thể để phát huy hiệu quả hoạt động; cũng như giúp Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, khắc phục hạn chế để đạt các mục tiêu trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cũng cho rằng Amazon có cơ hội lớn phát triển thị trường tại Việt Nam; hàng năm Amazon cũng đưa hơn 17 triệu sản phẩm của Việt Nam lên hệ thống thương mại điện tử của tập đoàn.
Mặc dù vậy, dư địa để hợp tác, phát triển còn rất lớn, Thủ tướng đề nghị Amazon tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và phân phối nhiều hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam qua hệ thống của tập đoàn, góp phần đưa hàng hóa Việt Nam đi khắp thế giới.
Thủ tướng cũng đề nghị Amazon có tiếng nói với Chính phủ Mỹ sớm hoàn thành công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư, phát triển, trên quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; hai bên cùng có lợi; hai bên cùng chiến thắng".
Đồng tình với các ý kiến, tầm nhìn của Thủ tướng, nhất là với triết lý "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Phó Chủ tịch Chính sách công quốc tế của tập đoàn Amazon cho biết sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ, lâu dài, hiệu quả giữa hai bên trên tinh thần cùng thắng.
Bày tỏ ấn tượng trước sự năng động, sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, đánh giá cao môi trường và tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bà Susan Pointer cho biết Amazon sẽ tham gia sâu hơn trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.
Cụ thể, tập đoàn sẽ góp phần phát triển thương mại điện tử, điện toán đám mây; nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng cho lao động Việt Nam; hợp tác với một số doanh nghiệp tại Việt Nam để sản xuất các sản phẩm, thiết bị và đưa nhiều hơn nữa sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam ra thế giới; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vươn ra tầm thế giới… như đề nghị của Thủ tướng.
Amazon hiện là nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, cũng là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ và thế giới, từng nắm giữ vị trí công ty niêm yết lớn nhất toàn cầu, thương hiệu giá trị nhất thế giới… Năm 2022, tập đoàn đạt doanh số 502 tỷ USD.