Đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tham gia mua bảo hiểm y tế tại điểm tuyên truyền. Ảnh: Báo An Giang |
An Giang là tỉnh biên giới đầu nguồn lưu vực sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đa số là dân tộc Khmer, dân tộc Chăm, dân tộc Hoa. Việc phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang, mục đích của đợt cao điểm lần này là để kịp thời đưa thẻ bảo hiểm y tế đến với người dân hết hạn thẻ và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, khi mà giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng cao, do thôi hưởng các chính sách áp dụng cho khu vực III, khu vực II.
Đồng thời, đôn đốc người dân đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện và tham gia bảo hiểm y tế để ốm được chăm sóc sức khỏe, về già có lương hưu.
Tại các điểm tuyên truyền, Bảo hiểm xã hội An Giang đã thông tin tới người dân về những điểm mới tăng quyền lợi thụ hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia theo Nghị định 75/2023/HĐ-CP; tác động của giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng cao và chính sách hỗ trợ bổ sung 2 nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế; chính sách ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Cụ thể, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế 1 năm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% (tương đương 680.400 đồng), người tham gia chỉ đóng 30% (tương đương 291.600 đồng).
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang, tính đến tháng 11/2023, An Giang có 1.700.699 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 97,06% (chiếm 89,25% dân số), cần phát triển thêm 51.528 người để hoàn thành chỉ tiêu.
Tỉnh có 15.723 người bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 71,83% (chiếm 3,20% so với lực lượng nông dân và lao động khu vực phi chính thức trong độ tuổi).
Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng thành lập 3 Tổ công tác trực tiếp xuống các địa bàn dân cư khóm ấp để tuyên truyền vận động.
Tuyên truyền về bảo hiểm y tế là một trong những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh An Giang