Chuyến bay thử nghiệm của C919, máy bay phản lực lớn sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc, tại huyện Bồ Thành, tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong những năm qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng khi Mỹ trở nên cảnh giác với chiến lược dân sự - quân sự của Trung Quốc nhằm đảm bảo những tiến bộ phát triển kinh tế và quân sự đồng hành với đổi mới khoa học và công nghệ.
Từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, chính phủ Mỹ đã bắt đầu hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các sản phẩm lưỡng dụng bằng cách chỉ định các công ty hàng không và hàng không vũ trụ của Trung Quốc là "người dùng cuối trong quân đội".
Cụ thể, Mỹ từ năm 2020 đã chỉ định một số công ty con của nhà thầu quốc phòng lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (Avic) - nhà cung cấp chính cho máy bay C919 - là “người dùng cuối của quân đội”. Một công ty con của Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC) thuộc sở hữu nhà nước là công ty Động cơ Máy bay Thương mại AECC, cũng được chỉ định là người dùng cuối cho quân đội.
Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục gia tăng các áp lực này. Năm 2022, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ chỉ định Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thượng Hải và Công ty Sản xuất Máy bay Thượng Hải là những người dùng cuối trong lĩnh vực quân sự. Cả hai công ty đều thuộc Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac), nhà sản xuất máy bay C919.
Theo quy định của Mỹ, các thực thể được chỉ định bị cấm nhập khẩu một số mặt hàng như cảm biến, laser, hệ thống điện tử hàng không và các sản phẩm điều hướng trừ khi nhà xuất khẩu có được giấy phép từ chính phủ.
Máy bay C919 cất cánh từ Sân bay Quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải ở phía đông Thượng Hải của Trung Quốc, ngày 28/5/2023, trong chuyến bay thương mại đầu tiên. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Tác động của các hạn chế đối với Comac là gì?
Comac đang sản xuất hai loại máy bay bao gồm máy bay phản lực khu vực ARJ21 và C919. Cả hai mẫu máy bay này đều đều dựa trên công nghệ và bộ phận nhập khẩu, đặc biệt là từ Mỹ. Đối với C919 – mẫu máy bay vừa đi vào hoạt động thương mại trong tháng 5 vừa qua, động cơ LEAP của nó được sản xuất bởi CFM International, một liên doanh giữa công ty GE Aviation của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp.
Với các hạn chế mới này, chuỗi cung ứng ngành hàng không của Trung Quốc đang phải đối mặt với các áp lực ngày càng gia tăng. Trong một cuộc thảo luận do Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc tổ chức vào tháng 12/2022, giám đốc bộ phận pháp lý và tuân thủ tại Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thượng Hải Le Wei cũng thừa nhận rằng những thay đổi trong kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã ảnh hưởng đến “an ninh của chuỗi cung ứng, của ngành sản xuất hàng không dân dụng Trung Quốc và sự phát triển ổn định của ngành”.
Để đáp ứng các quy tắc mới, ông Le cho biết Comac đã thiết lập “hệ thống truy xuất nguồn gốc hoàn chỉnh của hệ thống chuỗi cung ứng thượng nguồn và hạ nguồn”, đồng thời “tăng cường quản lý các tài liệu chứng nhận tuân thủ của nhà cung cấp”.
Trong bối cảnh Mỹ rất có thể sẽ gia tăng áp lực “hạn chế ngành sản xuất cao cấp của Trung Quốc”, ông nhấn mạnh Trung Quốc cần tăng cường “mức độ tự chủ” trong các công nghệ chính để chống lại mọi hạn chế. Hiện nước này cũng đang trong quá trình thiết kế động cơ thay thế cho động cơ LEAP.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể cân nhắc hợp tác với Nga trong lĩnh vực hàng không, dù một liên doanh giữa hai quốc gia có khả năng sẽ mang lại rủi ro bị trừng phạt.
Do đó, theo SCMP trích dẫn nhận định của ông Jean-François Dufour, đồng sáng lập công ty tư vấn Sinopole, trừ khi mối quan hệ Trung – Mỹ thực sự trở nên tồi tệ, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không trở thành một điểm yếu của chương trình C919. Ông cũng nhận định rằng châu Âu khó có khả năng chủ động tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc. Nguyên nhân tới từ việc đầu tư ngày càng tăng của Airbus vào thị trường Trung Quốc sau khi thay thế Boeing trở thành nhà cung cấp máy bay chở khách chiếm ưu thế.
Trung Quốc đang đẩy mạnh tự chủ công nghệ nhằm chống lại mọi hạn chế. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Triển vọng cho tranh chấp công nghệ Mỹ - Trung
Trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết hai quốc gia đã đạt được “tiến bộ” trong việc đưa quan hệ trở lại đúng hướng và đều nhất trí về sự cần thiết phải “ổn định” mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, cuộc gặp mặt không làm thay đổi đáng kể những vướng mắc chính trong quan hệ Washington và Bắc Kinh, đặc biệt là về những lĩnh vực chủ chốt.
Đối với lĩnh vực hàng không, quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc khiến nước này trở thành điểm thu hút với nhiều ông lớn trong ngành như Boeing hay GE. Tuy nhiên với tình trạng hiện tại khi rủi ro gia tăng đối với những công ty Mỹ kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhiều công ty có thể sẽ phải cân nhắc lại quyết định của mình.
SCMP trích dẫn ông Stephen Olson, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Hinrich và là cựu nhà đàm phán thương mại của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, “các công ty như Boeing và GE có thể đang đánh giá lại tương lai của mình trên thị trường hàng không dân dụng Trung Quốc”.
Ông cho biết: “Sự kết hợp giữa các hạn chế gia tăng từ phía Mỹ cùng với sự trỗi dậy của đối thủ cạnh tranh nội địa Trung Quốc là C919 sẽ làm giảm đáng kể không gian dành cho các công ty này trong khai thác thị trường Trung Quốc”.