Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 5

Bão số 5 Việt nAM
15:31 - 18/10/2023
Hướng đi của bão số 5. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Hướng đi của bão số 5. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Hồi 13h ngày 18/10 bão số 5 cách đất liền khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên Huế khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, trong vòng 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển với tốc độ khoảng 10 km/h, trên vùng biển phía Đông khu vực Vịnh Bắc Bộ, sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11. Khu vực chịu ảnh hưởng gồm phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam.

Trong vòng 48 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ với tốc độ khoảng 5km/h, đến ngày 21/10 suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh, sóng biển cao 2,0-4,0m.

Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ đêm 18/10 có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh.

Trung tâm Dự báo Khí tượng cảnh báo toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển trên khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Trên đất liền từ gần sáng ngày 20/10, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.

Trung tâm cũng cảnh báo mưa lớn từ chiều 18/10 đến sáng 19/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Từ đêm 19/10, vùng ven biển Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ có khả năng có mưa vừa, có nơi mưa to; khu vực Trung Trung Bộ mưa giảm dần.

Trước diễn biễn phức tạp của bão số 5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 973/CĐ-TTg ngày 17/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão và mưa lũ.

Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển và tại nơi tránh trú; Sơ tán các hộ dân ở khu vực nguy hiểm.

Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm; Bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; Bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, hạn chế thiệt hại đối với các công trình cơ sở hạ tầng; Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ, áp thấp nhiệt đới, bão nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, không được để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.