Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng . Ảnh: quochoi.vn |
Sáng 20/6, sau khi xem video về các mục tiêu, định hướng quy hoạch, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Các ý kiến đều đánh giá cao việc tổ chức lập quy hoạch và cho rằng các đồ án được lập kỳ công, bài bản. Theo các đại biểu, nếu làm được như quy hoạch, thủ đô Hà Nội tương lai sẽ là một đô thị hiện đại, văn minh, phát triển xứng tầm với các thủ đô, thành phố trong khu vực và thế giới.
Lập quy hoạch đã khó, nhưng thực hiện được còn khó hơn rất nhiều
Phát biểu cuối phiên thảo luận với vai trò đại diện cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, quy hoạch có nhiều đổi mới với nhiều tư duy hết sức đột phá.
Quy hoạch đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế cả nước.
Để quy hoạch này thật sự có ý nghĩa và có tính khả thi cao, theo Bộ trưởng, cần phải rà soát tính đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch điều chỉnh chung của Thủ đô.
Đồng thời phải đồng bộ với cả các quy hoạch chung của cả nước, như Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Quy hoạch các ngành quốc gia, Quy hoạch của các địa phương xung quanh.
"Việc này rất quan trọng, tránh sau này xung đột và mâu thuẫn lại phải trả giá hoặc phải điều chỉnh sẽ rất bất cập," ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch rất quan trọng. Lập ra, vẽ ra có thể đã khó, nhưng thực hiện được còn khó hơn rất nhiều, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.
Đơn cử, làm một dự án đường sắt của Hà Nội mất từ 12-15 năm, nếu làm 14 tuyến đường sắt như quy hoạch mà không có cơ chế để huy động, không có cơ chế để thực hiện thì không biết bao giờ mới xong.
"Hiện chúng ta cần huy động 40 tỷ USD trong 10 năm để hoàn thành xây dựng mạng lưới các tuyến đường sắt. Vậy phải xác định cơ chế nào, nguồn lực, tổ chức thực hiện ra sao để thực hiện được quy hoạch", Bộ trưởng nêu vấn đề.
Nhấn mạnh tổ chức thực hiện là vấn đề lớn nhưng khó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, sau khi được phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch khả thi nhất. Trong đó có cơ chế, chính sách, cách thức huy động nguồn lực, thứ tự các dự án ưu tiên... Như vậy mới mong có bức tranh đô thị Thủ đô Hà Nội trong tương lai như mong muốn.