Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại hội trường. |
Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với đề xuất thành lập toà án sơ thẩm chuyên biệt trong dự thảo Luật. “Đối với nước ta, rất cần thiết thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số vụ án đặc thù như hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ,” đại biểu Thủy nói.
Bà Thuỷ nhấn mạnh và phân tích 4 lý do cho thấy sự cần thiết phải thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt.
Thứ nhất, về cơ sở chính trị, các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội 13 và Nghị quyết Trung ương 27 về xây dựng Nhà nước pháp quyền, đặt ra yêu cầu phải tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động xét xử của tòa án. Tuy nhiên, với cách bố trí như quy định hiện hành sẽ rất khó bảo đảm tính chuyên nghiệp trong giải quyết một số vụ án đặc thù; trong đó, có án hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, về cơ sở pháp lý, trong nhiều năm qua, các nghị quyết kỳ họp Quốc hội đều đặt ra yêu cầu với TAND Tối cao và VKSND Tối cao, phải có giải pháp căn cơ, đột phá để khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng xét xử cũng như kiểm sát chất lượng án hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ .
“Ngày 27/3/2023, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 755, trong đó yêu cầu, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đáp ứng, giải quyết yêu cầu một số vụ án đặc thù, trong đó có án phá sản, sở hữu trí tuệ, tư pháp với người chưa thành niên và một số loại án khác. Tại kỳ họp này, chúng tôi nhận được Tờ trình của Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Quốc hội tháo gỡ khó khăn với án hành chính,” đại biểu Thủy nêu.
Thứ ba, về căn cứ thực tiễn, theo đại biểu Thủy, án hành chính là án rất phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều ở hầu hết lĩnh vực quản lý Nhà nước. “Đã là án hành chính, phần lớn bị đơn là chủ tịch UBND, trong khi mô hình tòa án ở nước ta gắn với địa giới hành chính. Thẩm phán phải xử các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh mình. Do đó, tôi tán thành với ý kiến của UBTVQH, nếu không có quy định phù hợp có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán khi xét xử các vụ án này,” đại biểu nêu quan điểm.
Đối với vấn đề này, đại biểu viện dẫn thêm, nhà tư tưởng vĩ đại Karl Marx đã nói: “Đối với thẩm phán, không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp. Luật pháp do Nhà nước tạo ra, do đó, Nhà nước có trách nhiệm loại bỏ tất cả yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán”. Vừa qua, Nghị quyết Trung ương 27 về xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới đề ra 3 trọng tâm, trong đó trọng tâm thứ ba là bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử. Thẩm phán, hội thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật.
Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 28/5. |
Đối với án phá sản và sở hữu trí tuệ, đại biểu Thủy cho rằng, đây là án rất khó về chuyên môn. Thẩm phán được phân công xét xử án này không chỉ có chuyên môn sâu pháp luật mà còn đòi hỏi đào tạo chuyên sâu về kinh tế - tài chính. Đặc biệt đối với án phá sản rất phức tạp, bởi vì cùng với tuyên bố doanh nghiệp phá sản, thẩm phán phải giải quyết đồng bộ tất cả các quan hệ phát sinh từ việc phá sản này, bao gồm quan hệ hành chính, hình sự, kinh tế, dân sự, lao động...
Thứ tư, về kinh nghiệm quốc tế, rất nhiều nước dành nguồn lực đầu tư cho nền tư pháp, đều thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết án đặc thù. Hầu hết các nước này đều thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết án hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ.
Từ những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn và quốc tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy thể hiện sự tán thành với việc cần thiết thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết một số vụ án đặc thù như hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ. Đại biểu đề nghị, trước mắt chỉ nên thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt ở 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, bởi vì đây là các địa phương nhiều án. Khi bản án có kháng cáo, kháng nghị sẽ do 3 TAND cấp cao tại đây xét xử theo trình tự phúc thẩm.