Hầu hết nhà bán lẻ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) dự đoán rằng chi phí hoạt động của các hãng sẽ tăng trong năm 2023, đòi hỏi phải tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí nếu muốn duy trì tính cạnh tranh.
Trong khi đó, các hệ thống mạng truyền thống như Multiprotocol Label Switching (MPLS) đòi hỏi khoản đầu tư lớn cho việc triển khai và duy trì. Điều này sẽ làm tăng chi phí vận hành của các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là khi họ cần mở rộng hoạt động kinh doanh.
Mặc dù, MPLS cung cấp tính bảo mật tương đối cao, nhưng không đủ để bảo vệ dữ liệu và thông tin quan trọng của các doanh nghiệp bán lẻ trong thời đại kỹ thuật số, một yếu tố quan trọng cho trải nghiệm mua sắm đa kênh liền mạch.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại mong muốn tận dụng sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) để mang lại trải nghiệm nâng cao và liền mạch cho khách hàng, đồng thời giúp giảm thiểu việc sử dụng nhân sự và giảm chi phí.
Hiện đại hóa hệ thống mạng để nâng cao trải nghiệm người dùng
Ông Mark Verbloo, Giám đốc cấp cao về sản phẩm, giải pháp và kỹ thuật hệ thống của công ty công nghệ Aruba cho rằng, các giải pháp mạng đáng tin cậy sẽ hỗ trợ các nhà bán lẻ mang lại trải nghiệm đặc biệt cho những người mua sắm khó tính và giải quyết áp lực cạnh tranh.
Lợi ích của việc hiện đại hoá các hệ thống mạng là khả năng quản lý toàn bộ mạng từ đám mây, giúp loại bỏ nhu cầu về cơ sở hạ tầng bổ sung. Như vậy là không cần đầu tư vào các thiết bị và hệ thống phức tạp để xây dựng và duy trì mạng riêng lẻ. Thay vào đó, mọi thứ được quản lý và vận hành từ đám mây, giúp tiết kiệm thời gian và tài nguyên.
"Một giải pháp mạng mạnh mẽ, đáng tin cậy sẽ mang đến cho các nhà bán lẻ công cụ để cung cấp dịch vụ nhanh chóng, đảm bảo khách hàng có thể nhận được sự phục vụ kịp thời, từ việc tư vấn sản phẩm cho đến giải quyết các thắc mắc hoặc yêu cầu hỗ trợ. Với giải pháp này, nhà bán lẻ có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng, giảm khả năng người dùng không hài lòng", ông Mark Verbloo nói thêm.
Các nhà bán lẻ tại khu vực APAC đã quan tâm tới nhu cầu về trải nghiệm phù hợp với khách hàng, nhưng gặp phải những trở ngại trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Thực tế, nhiều doanh nghiệp phải vật lộn với tình trạng thiếu kỹ năng công nghệ thông tin và sự phức tạp của công nghệ, ảnh hưởng đến tính bảo mật và sự hài lòng của khách hàng.
Chính vì thế, chuyên gia Mark Verbloo đưa ra gợi ý về NaaS (Network as a Service - mạng lưới dạng dịch vụ). Đây là một mô hình cung cấp dịch vụ mạng dựa trên đám mây, cho phép khách hàng mua và sử dụng các dịch vụ mạng theo nhu cầu, tiết kiệm chi phí để doanh nghiệp bán lẻ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính.
Chuyển hướng sang bán lẻ thông minh
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc cách mạng số đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong hành vi mua sắm của khách hàng. Vì vậy, việc áp dụng các công nghệ mới nhằm thúc đẩy kinh doanh và trải nghiệm khách hàng đang được nhiều doanh nghiệp bán lẻ áp dụng. Từ đây một xu hướng mới trong ngành bán lẻ là Smart Retail (Bán lẻ thông minh) được hình thành.
Bán lẻ thông minh sử dụng các công nghệ tiên tiến như Internet of Things (IoT), phân tích dữ liệu và AI để tạo ra một môi trường mua sắm thông minh và kết nối. Các cửa hàng thông minh được trang bị các thiết bị và cảm biến để thu thập dữ liệu về hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó cung cấp thông tin và dịch vụ phù hợp.
Với bán lẻ thông minh, khách hàng có thể tận hưởng những trải nghiệm mua sắm đáng nhớ. Chẳng hạn như người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng di động để tìm kiếm thông tin về sản phẩm, đánh giá và so sánh giá cả. Khách hàng cũng có thể nhận được gợi ý sản phẩm dựa trên lịch sử mua hàng và sở thích cá nhân. Đồng thời, các hệ thống thanh toán trực tuyến như ví điện tử và thanh toán qua ứng dụng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính tiện lợi.
Công ty nghiên cứu IDC dự đoán, chi tiêu cho IoT tại khu vực APAC sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ năm 2021 đến năm 2026 là 11,8%, tạo điều kiện cho nhiều thiết bị được kết nối hơn.
"Kết cấu mạng an toàn và thông minh tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của bất kỳ doanh nghiệp nào, cho phép các nhà bán lẻ đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngày càng tăng bằng cách cung cấp quyền truy cập vào các tài nguyên kỹ thuật số cần thiết để hoạt động thành công".
Ông Verbloo khẳng định, như vậy việc hiện đại hoá hệ thống mạng và đẩy mạnh chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành bán lẻ bởi nó mang lại nhiều lợi ích cũng như cơ hội, tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp, nhà bán lẻ.