Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý kiến trên tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) diễn ra chiều 12/7.
"Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển".
Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được triển khai bài bản, đúng hướng, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 6/2023, đã có 3/30 bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, 36/63 địa phương ban hành kế hoạch hành động triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
29/63 địa phương ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế và các mô hình thí điểm thanh toán số, y tế.
31/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Kết cấu hạ tầng số được thúc đẩy phát triển đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số.
Kết quả đột phá là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập Internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, đã hoàn thành phủ sóng cho 2.164/2.418 thôn, bản lõm sóng Internet giai đoạn 2021-2022; các vùng còn lại chưa có điện.
Hiện có 7 cơ sở dữ liệu quốc gia (dân cư; đăng ký doanh nghiệp; bảo hiểm; hộ tịch điện tử toàn quốc; đất đai quốc gia; tài chính; cán bộ, công chức, viên chức) đã được ưu tiên triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp.
Về kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), hiện đã kết nối với hệ thống của 98 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 9 cơ sở dữ liệu và 14 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP tính đến hết ngày 21/6, đạt hơn 272 triệu giao dịch, trung bình hằng ngày có khoảng 1,45 triệu giao dịch thực hiện thông qua nền tảng.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án 06 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số người đứng đầu cấp cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của đơn vị, địa phương; chưa quan tâm, bám sát vào các văn bản hướng dẫn của cơ quan thường trực, thậm chí có địa phương còn chưa triển khai.
Cùng với đó, nhiều bộ, ngành, chưa hoàn thành việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. Nhiệm vụ ban hành hướng dẫn về lưu trữ điện tử dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành. 11 đơn vị chưa triển khai hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin mà mới chỉ có 8/31 đơn vị đã được kiểm tra đánh giá đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, có minh chứng bằng số liệu cụ thể, nhận diện các vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn. Phát hiện đúng các nguyên nhân, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.
Ngoài ra, cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn (thể chế; nhân lực số; xây dựng, chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu; an ninh, an toàn; phát triển tiện ích cho người dân...).