Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. |
Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Chất vấn Bộ trưởng VH-TT&DL, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn nhưng hiện đơn điệu, chưa đặc sắc để thu hút du khách. Thậm chí, loại hình này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. “Quan điểm của Bộ trưởng và giải pháp vấn đề này như thế nào?,” bà Hương đặt câu hỏi.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) cũng nêu các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu là hình thức phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm và một số hoạt động giải trí... Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới? Liệu có vướng mắc về mặt quy hoạch hay không?
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi). |
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thực hiện Quyết định 1129 của Thủ tướng về phê duyệt đề án kinh tế ban đêm. Bộ VH-TT&DL đã chọn 12 tỉnh, thành phố tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch đêm và bước đầu nhận những tín hiệu tích cực.
Hà Nội có "Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học", "Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm", Ninh Bình có "Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình", TP HCM có "Quận 1 - Sắc màu đêm"...
Theo Bộ trưởng, các sản phẩm du lịch đêm được thiết kế theo mô hình khu phố đi bộ, thưởng ngoạn nghệ thuật đường phố, ẩm thực, chợ đêm, tổ hợp giải trí... đáp ứng một phần nhu cầu của du khách. Tuy nhiên ông cũng đánh giá, đây là vấn đề mới và khó, bởi du lịch là kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành.
“Để giải bài toán căn cơ này, chúng tôi đã đề xuất với các địa phương nghiên cứu giải pháp. Trước hết là bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm. Các điểm đều có người dân ở, làm thế nào để có khu du lịch đêm mà người dân vẫn được ngủ yên? Cùng với đó là lực lượng lao động, không chỉ đơn thuần là những người đến bán hàng mà cả lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, chế độ chính sách cho những người tham gia...,” Bộ trưởng nêu giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giải thích thêm, quy hoạch không có vướng mắc, vì quy hoạch vùng và quy hoạch các tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, trong đó quy định rất rõ đâu là dự án về du lịch, khu nào làm du lịch. Vấn đề là phân định cụ thể, ví dụ một tỉnh có 10 dự án du lịch thì quy định chọn dự án nào để tập trung phát triển du lịch đêm. "Đó là thẩm quyền của địa phương," ông Hùng nói.
Ảnh minh họa |
Điều quan trọng nữa theo Bộ trưởng VH-TT&DL là phải nghiên cứu phát triển thị trường. Việc này tránh tình trạng "không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ", gây lãng phí. Ông nêu thực tế nhiều địa phương đã có khu du lịch đêm nhưng chỉ duy trì được một thời gian ngắn vì khách không đến.
“Như khu ẩm thực tại Hà Nội, trước đây rất sầm uất nhưng đến nay chỉ còn là khu ăn uống bình thường buổi đêm,” ông Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, phát triển kinh tế đêm cần xác định hướng tiếp cận là các địa phương. Bộ VH-TT&DL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm có thể phát triển được - dựa trên văn hoá để thiết kế, phát triển các loại hình ẩm thực, mở thêm cửa hiệu mua sắm... qua đó tạo thêm trải nghiệm cho du khách.
“Muốn làm được điều đó thì phải dựa trên quy hoạch, đào tạo nguồn lực. Có như vậy, loại hình du lịch đêm mới có thể thành hiện thực,” ông Hùng nhấn mạnh.