Ấn Độ, chỉ chiếm 2% diện tích toàn cầu, nhưng là nơi sinh sống của 18% dân số toàn cầu. Dân số nước này chạm mốc 1,4 tỷ người vào năm 2022. |
Bức tranh toàn cảnh về dân số
Nhà kinh tế học phát triển người Ấn Độ gốc Bỉ Jean Dreze nói với tờ DW: “Việc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới không thay đổi bất cứ điều gì trên thực tế”.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã giảm từ mức trung bình 6 trẻ em/phụ nữ vào năm 1964 xuống còn 2,1 trẻ em/phụ nữ vào năm 2020. Con số này thấp hơn so với tỷ lệ 2,2 trẻ em – số ca sinh cần thiết để duy trì dân số. Theo các chuyên gia, việc cải thiện về chăm sóc sức khỏe và tuổi thọ tăng có thể khiến Ấn Độ tiếp tục đà tăng dân số trong vài thập kỷ tới.
Dân số Ấn Độ có thể tăng dần lên 1,7 tỷ người vào năm 2064. Ảnh: AFP |
Các dự báo dữ liệu dự đoán rằng dân số Ấn Độ sẽ tăng dần lên 1,7 tỷ người vào năm 2064, nhưng sau đó sẽ giảm mạnh. Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (Mỹ) dự đoán dân số Ấn Độ có thể giảm xuống còn khoảng 1 tỷ người vào cuối thế kỷ này.
"Tôi không thấy khủng hoảng dân số. Ấn Độ luôn là một quốc gia rộng lớn, có nền kinh tế đang phát triển và có thể cải thiện điều kiện sống của người dân mặc dù chậm. Sự gia tăng dân số sẽ không tiếp tục lâu hơn nữa", ông Dreze nói.
Sự kỳ vọng đang được phóng đại
Với hơn một nửa dân số Ấn Độ dưới 30 tuổi, một số ý kiến cho rằng những người trẻ của nước này này mang lại lợi thế cho nền kinh tế dưới dạng “cổ tức nhân khẩu học" – tiềm năng tăng trưởng kinh tế đến từ sự thay đổi trong cấu trúc tuổi của dân số.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Dreze cho rằng điều này là phóng đại. “Họ đang không nhận ra rằng cổ tức nhân khẩu học nói chung đã kết thúc", ông nói.
Chuyên gia này chỉ ra rằng tỷ lệ phụ thuộc của trẻ em và những người già không kiếm được tiền so với những người kiếm được đã giảm đáng kể trong những thập kỷ qua.
"Tỉ lệ phụ thuộc sẽ không giảm nhiều nữa. Chúng ta đã qua giai đoạn đó. Trong tương lai, có thể không có nhiều trẻ em, nhưng sự phụ thuộc của người cao tuổi sẽ tăng lên", ông Dreze cho biết.
Theo các chuyên gia, tình trạng dân số quá đông của một quốc gia, theo quy luật cung và cầu, chắc chắn sẽ gây áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực nhân tạo.
Bệnh nhân chờ đợi tại một bệnh viện Bhopal, Ấn Độ. Ảnh: EPA |
Ông Li Junhua, thuộc Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc, nhận định: “Dân số tăng nhanh chóng khiến việc xóa đói giảm nghèo, chống đói và suy dinh dưỡng cũng như tăng độ bao phủ của hệ thống y tế và giáo dục trở nên khó khăn hơn”.
Trong vòng 70 năm qua, dân số Ấn Độ đã tăng thêm 1 tỷ người. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe vẫn chưa phát triển theo tỷ lệ tương xứng, khiến chi phí chăm sóc sức khỏe từ tiền túi của người dân tăng lên.
Mặc dù vậy, chi phí chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ vẫn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác và thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên. Tuy nhiên, phần lớn sự gia tăng dân số của Ấn Độ đến từ các khu vực nông thôn và khó khăn xung quanh sông Hằng, trong khi sự gia tăng thu nhập đến từ khu vực thành thị.
Nhiều vấn đề phát sinh
Về giáo dục, 65% dân số Ấn Độ đã học xong trung học và đủ điều kiện học các cấp cao hơn, như bằng sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Mặc dù đây được coi là một thống kê ấn tượng so với các quốc gia phát triển khác, nhưng thực tế chỉ 1/4 dân số Ấn Độ thực sự tham gia các khóa học đó.
Trong khi đó, một bộ phận đáng kể dân số của Ấn Độ bị suy dinh dưỡng, không có kỹ năng và bị gạt ra bên lề. Do đó, họ không thể đóng góp một cách có ý nghĩa vào sự phát triển của đất nước.
Tỷ lệ có việc làm tại Ấn Độ cũng đã giảm dần từ năm 2005. Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Business World, giáo sư kinh tế Jayan Thomas, thuộc Học viện Công nghệ Ấn Độ ở Delhi, nhận định rằng có sự không phù hợp giữa cung và cầu lao động “Khó khăn ở đây là tăng trưởng nguồn cung lao động ở Ấn Độ đang tăng tốc, trong khi tăng trưởng việc làm thì giảm đáng kể", ông nói.
Ông chỉ ra rằng: "Với tự động hóa và những thay đổi công nghệ khác, việc sản xuất 1 tấn thép hoặc hàng may mặc ngày nay cần ít nhân công hơn so với 2 hoặc 3 thập kỷ trước. Do đó, Ấn Độ sẽ khó có thể mô phỏng theo thành công của Trung Quốc trong việc thu hút một lượng lớn lao động vào ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của mình trong những năm 1990 và 2000".
Mức thu nhập bình quân đầu người ở Ấn Độ vẫn thuộc hàng thấp nhất trong tất cả các nước G20, mặc dù có tăng. Tính đến năm 2020, hơn 70% dân số nước này không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh, dù chi phí thực phẩm tại đây vẫn tương đối thấp so với các quốc gia khác.
Ngoài các chỉ số kinh tế và xã hội quan trọng, Ấn Độ cũng chưa cải thiện được các lĩnh vực khác như mức độ hạnh phúc chung của người dân, sự an toàn của phụ nữ và người thiểu số. "Sở hữu lượng dân số đông là một chuyện, nhưng để có được lợi thế từ đó, chúng ta cần tập trung vào chất lượng dân số. Đó là điều Ấn Độ có thể cải thiện", ông Dreze cho hay.