Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine đang gây xáo trộn chuỗi cung ứng và đe dọa nhu cầu đối với ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Ảnh: Reuters |
Cách đây chưa đầy 3 tuần, Apple ra mắt iPhone SE là dòng điện thoại giá rẻ có khả năng truy cập 5G đầu tiên của mình. Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, Apple thông báo với các nhà cung cấp rằng họ đặt mục tiêu giảm 20% đơn đặt hàng sản xuất, tương ứng khoảng 2 triệu đến 3 triệu chiếc trong quý II/2022, do nhu cầu yếu hơn dự kiến. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng giảm hơn 10 triệu đơn đặt hàng tai nghe AirPods cho cả năm 2022, do công ty dự đoán nhu cầu thấp và muốn giảm lượng hàng tồn kho.
Dữ liệu của Counterpoint Research cho thấy, công ty đã xuất xưởng khoảng 76,8 triệu chiếc AirPods vào năm 2021, nhưng những người am hiểu tình hình cho biết tổng lượng xuất xưởng cho năm 2022 có thể sẽ giảm đáng kể.
Nhu cầu tiêu dùng thiết bị điện tử trên thế giới đã sụt giảm đáng kể khi chiến sự leo thang và lạm phát nóng lên. Ảnh: Reuters |
Apple cũng yêu cầu các nhà cung cấp sản xuất ít hơn vài triệu chiếc trong toàn bộ dòng iPhone 13 so với kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, hãng cho biết sự điều chỉnh này dựa trên nhu cầu tiêu dùng theo mùa.
Những động thái này của công ty nhập linh kiện và chip mạnh nhất thế giới cho thấy áp lực ngày càng lớn đối với ngành công nghệ sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ. Thế giới đã chứng kiến tình trạng thiếu thốn chip kéo dài trong nhiều năm và ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp từ điện thoại thông minh, máy tính đến ô tô.
Cho đến nay, chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm chao đảo trước hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt đối với Nga, trong khi thị trường dầu mỏ, năng lượng và nguyên liệu thô đang tiếp tục leo thang giá cả. Lạm phát trở thành nỗi lo của người dân toàn cầu, khi chúng làm tăng thêm chi phí sinh hoạt và gây ra tâm lý dè chừng khi “mở hầu bao” đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng.
Apple đã ngừng bán các sản phẩm tại Nga ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động tại Ukraine nổ ra hôm 24/2. Dữ liệu từ IDC cho thấy, gã khổng lồ công nghệ Apple là nhà sản xuất điện thoại thông minh số 3 ở Nga, với doanh số khoảng 5 triệu chiếc iPhone, chiếm 16% thị phần vào năm ngoái. Đây cũng là nhà sản xuất máy tính số 5 tại thị trường Nga.
Một giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp của Apple nhận định rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi công ty đã trở nên cẩn trọng hơn. "Chiến sự đã ảnh hưởng đến chi tiêu tại các thị trường châu Âu. Có thể hiểu được người tiêu dùng sẽ tiết kiệm tiền cho thực phẩm và sưởi ấm”.
Động thái của Apple, công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, nhằm giảm khối lượng sản xuất cho chiếc iPhone mới được ra mắt có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền đối với các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng khác khi họ cắt giảm đơn đặt hàng sản xuất và tiêu thụ hàng tồn kho trong bối cảnh thị trường khó dự đoán hiện nay.
Nhiều tổ chức toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2022 vào tháng 4 do tình hình hỗn loạn ở Ukraine và rủi ro ở một số quốc gia. Lần gần đây nhất, IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt 4,4% trong năm nay. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, mức thấp nhất trong 30 năm qua.
Ông Brady Wang, nhà phân tích công nghệ của Counterpoint Research, cho biết, nhìn chung thị trường điện thoại thông minh đã chứng kiến mức tồn kho cao bất hợp lý và cuối cùng sẽ phải điều chỉnh sản xuất.
“Chúng tôi thấy nhu cầu đối với điện thoại thông minh ở Trung Quốc là khá yếu. Ngoài ra, xung đột quân sự Nga – Ukraine đang khiến nhu cầu của thị trường châu Âu trở nên ảm đạm”, ông nhận xét.
Counterpoint cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trường của thị trường điện thoại thông minh cho năm 2022 xuống khoảng 5% trước lo ngại rằng cuộc chiến tại Ukraine có thể mang lại những bất ổn trên toàn cầu.