Tân Tổng thống Argentina Javier Milei. Ảnh: AP |
Theo ABC News, lá thư được gửi tới các nhà lãnh đạo BRICS vào ngày 22/12 nhưng tới 29/12 – ngày làm việc cuối cùng của năm 2023 - mới được chính phủ Argentina công bố. Trong bức thư, Tổng thống Argentina Javier Milei cho biết thời điểm này không phải là “cơ hội” để Argentina tham gia với tư cách thành viên chính thức.
Thay vào đó, hãng tin RT cho biết bức thư chỉ nêu rõ chính phủ của ông Milei có kế hoạch “tăng cường” quan hệ song phương với các thành viên BRICS, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Trước đó, ông từng khẳng định không liên minh với BRICS nhưng chính phủ sẽ không ngăn cản khu vực tư nhân Argentina kinh doanh với “bất cứ ai họ muốn”.
Việc từ chối tham gia BRICS thể hiện một sự đảo ngược chính sách hoàn toàn của tân Tổng thống Javier Milei mới nhậm chức hồi tháng 11 so với người tiền nhiệm Alberto Fernadez. Khi chấp nhận lời mời tham gia BRICS hồi tháng 8, ông Fernandez cho rằng động thái này sẽ giúp mang lại cho Argentina một “kịch bản mới” cho sự phát triển của mình.
Tuy nhiên ông Milei vào thời điểm đó tuyên bố ông sẽ không thúc đẩy các thỏa thuận do các quốc gia này không tôn trọng các tiêu chuẩn cơ bản của “thương mại tự do, tự do và dân chủ”. Ngoại trưởng Argentina Diana Mondino, người trước đây từng là cố vấn kinh tế cấp cao của ông Milei, cũng đưa ra nhận định tương đồng khi cho rằng chính phủ của bà “không thấy bất kỳ lợi ích nào” khi trở thành thành viên của nhóm và do đó sẽ “không tham gia BRICS”.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Lạm phát đã tăng 160% chỉ trong năm 2023 trong khi đồng peso mất giá nghiêm trọng, buộc nước này phải tái cấp vốn cho khoản nợ 44 tỷ USD cho IMF.
Tính tới hiện tại, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, theo chủ tịch của nhóm này hiện tại là Nam Phi. Bắt đầu từ ngày 1/1/2024, BRICS sẽ chính thức ghi nhận Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE và Saudi Arabia là thành viên chính thức.
Dưới tư cách chủ tịch BRICS trong năm 2024, Nga khẳng định các ưu tiên của quốc gia này trong thời gian làm chủ tịch sẽ bao gồm việc mở rộng hơn nữa “vòng tròn bạn bè BRICS” để bao gồm các nước Mỹ Latin cũng như tăng cường các hoạt động thanh toán thương mại bằng cách sử dụng tiền tệ quốc gia, theo tuyên bố từ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hồi tháng 10/2023.