ASEAN - Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong bức tranh xám màu

ASEAN - Điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong bức tranh xám màu

KINH TẾ asean
09:30 - 29/01/2023
"Kinh tế toàn cầu chưa hết lao đao vì tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 thì phải hứng thêm những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng địa-chính trị ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các nền kinh tế ASEAN và Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng".

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trao đổi với Mekong ASEAN về bức tranh kinh tế khu vực ASEAN năm 2023.

Theo đánh giá của Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB, nhờ chuyển hướng nhanh chóng sang các biện pháp chống dịch linh hoạt, thích ứng và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả với tỷ lệ tiêm phòng cao, các nền kinh tế khu vực ASEAN đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, là tiền đề để mở cửa kinh tế trong điều kiện "bình thường mới".

Điểm sáng thứ hai khi nhìn vào bức tranh kinh tế khu vực là các ngành nghề, từ công nghiệp, nông nghiệp, đến thương mại - dịch vụ và du lịch đều tăng trưởng nhanh. Đà phục hồi mạnh mẽ của các ngành đã tạo ra một lực đẩy cho toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất - nhập khẩu các quốc gia phục hồi nhanh chóng, thương mại tiếp tục thặng dư. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào khu vực vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, là động lực quan trọng cho nền kinh tế sau đại dịch.

Đi cùng với các phân tích từ chuyên gia ADB, nếu nhìn lại một loạt các con số sau đây, bức tranh kinh tế khu vực ASEAN có lẽ sẽ được hình dung một cách đầy đủ hơn.

Mặc dù suy thoái toàn cầu đang là chủ đề của nhiều thảo luận, các nền kinh tế ASEAN vẫn ghi nhận lượng FDI đều đặn, phần lớn chảy vào các lĩnh vực liên quan đến xuất khẩu. ASEAN hiện chiếm khoảng 10% thị phần FDI của thế giới, gần như ngang bằng với Trung Quốc.

Trong khi đó, xuất khẩu cũng cho thấy những tín hiệu khả quan. Tổng lượng hàng hóa vận chuyển từ các quốc gia ASEAN có sự tăng trưởng rõ rệt, từ 22% (415.251 TEU) trong tháng 10 lên 23,1% (402.882 TEU) vào tháng 11/2022. Các số liệu mới nhất cho thấy ASEAN chiếm 26% tổng lượng hàng hóa châu Á vận chuyển đến Hoa Kỳ trong tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Trong năm 2022, theo ADB, Việt Nam, Philippines và Malaysia là những nền kinh tế dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong ASEAN với dự báo GDP đều tăng hơn 6%. Định chế tài chính này cho rằng, đây cũng là 3 nền kinh tế năng động nhất trong ASEAN.

Tiếp theo, Campuchia và Indonesia có tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 dự báo khoảng 5%; trong khi Singapore, Thái Lan, Lào và Myanmar đều được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 3%.

Như vậy, nếu so sánh với con số tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022, ASEAN nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới “xám màu”.

Bước sang năm 2023, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nhìn nhận, khu vực châu Á phải đối mặt với những tác động dai dẳng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, chính sách Covid-19 của Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn duy trì ở khu vực ASEAN trong bối cảnh cỗ máy kinh tế của các quốc gia khu vực này được đánh giá đang khởi động lại mạnh mẽ. ADB ước tính mức tăng trưởng của toàn khu vực Đông Nam Á có thể đạt 4,7% trong năm 2023.

Theo nghiên cứu của S&P Global, trong trung và dài hạn, ASEAN dự kiến sẽ vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global, ông Rajiv Biswas, tổng sản phẩm quốc nội của ASEAN tính theo đồng đô la danh nghĩa được dự báo sẽ đạt 6,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030 từ mức 3 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Trong thập kỷ tới, khu vực ASEAN sẽ là một trong ba động lực tăng trưởng chính của khu vực APAC (Châu Á-Thái Bình Dương), cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.

Thị trường tiêu dùng đang phát triển của ASEAN sẽ khiến khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với FDI khi các công ty đa quốc gia thiết lập năng lực sản xuất và dịch vụ để khai thác nhu cầu nội địa trong khu vực. Động thái của các công ty đa quốc gia nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau sự gián đoạn do thiên tai, đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Ukraine cũng sẽ hỗ trợ dòng vốn FDI vào ASEAN.

ASEAN cũng sẽ được hưởng lợi từ tư cách thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), điều này sẽ giúp thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư giữa 15 quốc gia đã đồng ý với thỏa thuận thương mại. Do đó, triển vọng dài hạn cho khu vực ASEAN vẫn rất thuận lợi trên nhiều lĩnh vực công nghiệp trong sản xuất và dịch vụ.

Thế nhưng, triển vọng tích cực trong dài hạn đối với các quốc gia ASEAN không hạ thấp những thách thức mà khu vực này phải đối mặt.

Ông Rajiv Biswas cho biết trong báo cáo tháng 12/2022 rằng xuất khẩu của khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu và dự báo về sự suy giảm ở Mỹ và Liên minh châu Âu vào năm tới. Sau khi xuất khẩu khởi sắc vào năm 2022, đà tăng trưởng xuất khẩu của ASEAN sẽ chững lại vào năm 2023, đáng chú ý là do tăng trưởng yếu hơn ở Mỹ và EU - 2 khu vực chiếm khoảng 1/4 xuất khẩu của ASEAN. Điều này sẽ được giảm thiểu nhờ sự tăng trưởng liên tục của nhu cầu trong nước và sự phục hồi dần dần của du lịch quốc tế ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia S&P Global, rủi ro chính đối với triển vọng của ASEAN là nếu nền kinh tế Trung Quốc đại lục có thể tiếp tục tăng trưởng kinh tế chậm chạp vào năm 2023 do tác động liên tục của các biện pháp hạn chế Covid-19. Trung Quốc đại lục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN trong 12 năm qua, với ước tính 16% thị phần xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài của khu vực. Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm thêm 7% kim ngạch xuất khẩu của ASEAN.

Chuyên gia kinh tế trưởng ADB kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023. Lạm phát được kiểm soát ở mức 4%-4,5%. Việt Nam vẫn kiểm soát tốt nợ công và còn nhiều dư địa cho các chính sách tài khóa.

Ở phương diện quốc tế, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ không bị rơi vào suy thoái và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm dần mức độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá cũng ít hơn lên các đồng nội tệ của các quốc gia khác. Giá xăng dầu toàn cầu được dự báo sẽ không tăng mạnh.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở cửa trở lại. Đây là dấu hiệu khả quan để chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi và có ý nghĩa quan trọng đối với xuất - nhập khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Cường, do những tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Thị trường lao động Việt Nam sẽ bị tác động nếu các đơn đặt hàng tiếp tục giảm trong thời gian tới. Nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 xuống 6,3%. Dẫu vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á.

Từ góc độ tổ chức quốc tế, theo chuyên gia kinh tế trưởng ADB, để ngăn chặn tác động của những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến thị trường tài chính – ngân hàng, cần có những biện pháp xử lý mạnh mẽ và kịp thời.

Về chính sách tài khóa, ADB khuyến nghị Việt Nam có thể kéo dài thêm các biện pháp miễn giảm thuế cho doanh nghiệp trong khi còn nhiều dư địa và ngân sách thặng dư. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn nữa để duy trì đà tăng trưởng.

"Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và nhu cầu bên ngoài suy giảm, nhiều doanh nghiệp sẽ đứng trước tình trạng thiếu đơn đặt hàng và rủi ro thiếu việc làm đối với người lao động là hiện hữu. Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, đồng thời sớm có kế hoạch tăng cường các biện pháp an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động mất việc do sản xuất suy giảm", ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh.

Đọc tiếp