Challenge Vietnam 2021 đã giải quyết các thách thức ngành nông nghiệp Việt Nam. |
GRAFT Challenge Vietnam được thiết kế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp triển vọng trên toàn cầu tiếp cận thị trường Việt Nam.
Ông Justin Ahmed Beanstalk, Trưởng đại diện Chương trình GRAFT cho biết, GRAFT Challenge Vietnam 2021 đã giải quyết các thách thức của ngành nông nghiệp trong việc cải thiện khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao.
Người nông dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, cần tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao với chi phí phải chăng (các loại máy móc, công nghệ phù hợp, nguồn nhân lực, giống cây trồng, phân bón và vốn vay) để có thể đảm bảo tính bền vững và khả năng sinh lời.
"Thách thức giảm thiểu tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch cũng đặt ra đối với những người nông dân, cần có những giải pháp lưu trữ và vận chuyển lạnh hiệu quả nhằm giảm hao hụt và đảm bảo chất lượng nông sản sau thu hoạch tới tay người tiêu dùng. Đây là một yếu tố cực kì quan trọng để giữ giá trị nông sản, đảm bảo tính bền vững và nguồn cung".
Trong đó đặc biệt nổi lên là thách thức xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nông nghiệp cần giải pháp để người tiêu dùng tin tưởng vào doanh nghiệp và sản phẩm, từ đó thấy được những cam kết về vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng trong quy trình sản xuất.
Để giải quyết những thách thức này của ngành nông nghiệp, GRAFT Challenge Vietnam 2021 đã tìm ra 9 nhóm giải pháp đến từ các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau về ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản.
9 nhóm giải pháp công nghệ nông nghiệp Việt Nam 2021
1. Nền tảng SaaS sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp số hóa việc đánh giá chất lượng thực phẩm của Ấn Độ.
2. Cải thiện quản lý dự án theo chuỗi cung ứng nông nghiệp của Indonesia.
3. Phần mềm đột phá dành cho các nông trại sản xuất và chế biến thịt heo kết hợp theo dõi sức khỏe kỹ thuật số theo thời gian thực của Hoa Kỳ.
4. Công nghệ Hillridge cung cấp giải pháp dựa trên cơ sở dữ liệu của Australia.
5. Nền tảng công nghệ nông nghiệp phân tích dữ liệu giúp nông dân cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện năng suất và giảm hiệu ứng nhà kính của Thái Lan.
6. Phát triển lớp bảo quản sinh học dễ ứng dụng, giúp kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm tươi của Israel.
7. Công cụ hỗ trợ đưa ra quyết định và truy xuất nguồn gốc để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa giá trị trên mỗi đơn vị của Ấn Độ.
8. Nền tảng quản lý trang trại nuôi tôm dựa trên dữ liệu chính xác để cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn và tình trạng sức khỏe của thủy sản của Indonesia.
9. Nền tảng quản lý trang trại nuôi trồng thủy sản với các giải pháp Internet-vạn-vật (IoT) nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng, kiểm soát chất lượng nước và truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản do doanh nghiệp Tép Bạc của Việt Nam sáng chế.
Sẽ có nhiều chính sách mở để tiếp cận công nghệ nông nghiệp
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) nhận định, GRAFT là chương trình tập trung vào những cách thức chuyển giao công nghệ cụ thể, có tầm nhìn ở góc độ toàn cầu và sự kết nối sâu sắc với các địa phương, hiện diện ở 20 thị trường lớn trên thế giới để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nghiệm cho biết, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ KHCH về ứng dụng đổi mới sáng tạo trong 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và nông nghiệp. Với định hướng của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045, dư địa đổi mới sáng tạo 3 lĩnh vực trên là rất lớn.
“Song hành với các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng đổi mới sáng tạo, Chính phủ cũng giao Bộ KHCN phát triển thị trường khoa học công nghệ, có nội dung ưu tiên xây dựng mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia mạng lưới quốc tế để mở rộng mạng lưới kết nối, chuyển giao các công nghệ cho các doanh nghiệp Việt, nâng cao năng suất”.
Cùng với đó, hàng năm sẽ tổ chức nhiều hội chợ công nghệ nông nghiệp ở Việt Nam, định kỳ từ 2016 trở lại đây với sự tham gia của 25 – 30 nước quốc tế tham dự. Ngoài ra, Bộ KHCN cũng tổ chức các hội chợ chuyên đề của các ngành nông nghiệp thủy sản, chế biến gỗ, chăn nuôi, trồng trọt…
Giai đoạn 2022 – 2030, Chính phủ yêu cầu tăng cường mở rộng các hội chợ triển lãm quốc tế cho Việt Nam với mạng lưới chuyên gia, dữ liệu các nhà cung ứng giải pháp công nghệ.
Đánh giá cao 9 nhóm giải pháp của chương trình GFRAFT đưa ra, ông Nghiệm cho rằng các giải pháp được giới thiệu trong hội thảo hôm nay sẽ rất tiềm năng để các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam ứng dụng đổi mới công nghệ và nâng cao tăng trưởng.
“Đặc biệt, Chính phủ đang yêu cầu Bộ KHCN rà soát, đổi mới các chính sách để tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà cung ứng quốc tế tiếp cận được với nhu cầu thị trường Việt Nam; tạo thuận lợi trong đăng ký bảo hộ của các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam giữ được bản quyền sở hữu trí tuệ”, ông nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của ông Nghiêm, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách chiến lược Bộ NN&PTNT cũng cho rằng,dư địa cho các chương trình công nghệ nông nghiệp Việt Nam còn nhiều.
Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực vào các chương trình đổi mới sáng tạo nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang có nhiều định hướng phát triển nông nghiệp xanh nhằm giảm phát thải, tăng cường sự chống chịu vì một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững và trách nhiệm.
“Dự án có tính toàn cầu, kết nối công nghệ của 9 doanh nghiệp trên 9 quốc gia khác nhau. Đem lại hiệu quả bền vững khả thi có khả năng áp dụng thực tiễn vào nông nghiệp Việt Nam, góp phần gia tăng thu nhập, tăng trưởng các giá trị nông nghiệp”.
Ông Thắng đánh giá đánh giá cao đề xuất phối hợp 3 bên: Bộ KHCN - Bộ NN&PTNT – GRAFT. Bởi hiện nay, Việt Nam đang có nhiều thách thức trong đổi mới khoa học công nghệ nông nghiệp, nhất là việc tìm ra công nghệ phù hợp và GRAFT chính là một trong những giải pháp được đánh giá cao.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, GRAFT đã mang tinh hoa công nghệ nông nghiệp khắp thế giới đến Việt Nam, là bước ngoặt lớn cho cộng đồng khởi nghiệp.
“Chúng tôi bắt đầu từ những khoảng trống trong công nghệ nông nghiệp Việt Nam. Trong thời gian tới những giải pháp này sẽ còn hiệu quả hơn nữa từ những chính sách ngày càng được rộng mở. Năm 2021 khép lại không phải khép lại một chặng đường mà mở ra một chặng đường tiếp theo cho các doanh nghiệp nông nghiệp thu hút được giải pháp công nghệ toàn cầu”, ông Tùng nhận định.
GRAFT được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia nhằm thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác công - tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo.
GRAFT Challenge Vietnam 2021 – chương trình tìm kiếm các giải pháp công nghệ nông nghiệp để giải quyết thách thức cho ngành nông nghiệp ở Việt Nam được thực hiện bởi Beanstalk – một doanh nghiệp đổi mới có trụ sở tại Australia hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS), và MBI Innovation Challenges (MBI). Chương trình tự hào nhận được sự hỗ trợ và tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Cơ quan nghiên cứu khoa học và kỹ thuật quốc gia Australia (CSIRO), và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.