Trả lời phỏng vấn kênh BFMTV ngày 2/7, bà của nạn nhân Nahel Merzouk nói rằng có những đối tượng biểu tình đang lợi dụng cái chết của cháu bà như một cái cớ để gây ra các cuộc bạo loạn.
“Tôi đang bảo họ hãy dừng lại. Nahel đã chết. Con gái tôi đã mất con. Con gái tôi không còn gì trong cuộc đời này”, bà cho biết. “Họ (người biểu tình) không nên đập vỡ cửa sổ, phá hoại trường học hay xe buýt. Chính những người mẹ đang đi xe buýt, chính những người mẹ đang bước ra ngoài”.
Bà cho biết bà tức giận với viên cảnh sát đã giết cháu bà, nhưng không tức giận với cảnh sát nói chung và bày tỏ niềm tin vào hệ thống tư pháp khi nước Pháp đang phải đối mặt với biến động xã hội tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Một chiếc xe máy bị đốt cháy trên đường phố Paris trong đêm bạo loạn ngày 2/7. Ảnh: Reuters |
Thiếu niên gốc Phi Nahel Merzouk, 17 tuổi, bị một sĩ quan cảnh sát ở Nanterre, ngoại ô Paris bắn chết hôm 28/6 vì không tuân thủ lệnh dừng xe. Vụ việc đã thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ trên toàn nước Pháp, khơi lại một cuộc tranh luận về tình trạng phân biệt đối xử trong các cộng đồng bị thiệt thòi ở Pháp và đặt ra câu hỏi liệu vấn đề chủng tộc có phải là một yếu tố dẫn đến cái chết của cậu thiếu thiên hay không.
Chính phủ Pháp cho biết, 45.000 sĩ quan cảnh sát và lực lượng hiến binh đã được tái triển khai tại nhiều khu vực trên cả nước từ tối 2/7 và bắt giữ hơn 2.000 nghi phạm kể từ khi các cuộc bạo loạn nổ ra. Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin nói rằng nhiều người trong số những đối tượng bị giam giữ là trẻ vị thành niên, với độ tuổi trung bình là 17.
Cảnh sát Pháp xác định danh tính một thanh niên tham gia biểu tình tại Champs-Elysees, Paris, ngày 2/7. Ảnh: Reuters |
Trong đêm 2/7, điểm nóng lớn nhất là các cuộc đụng độ tại Marseille - nơi cảnh sát bắn hơi cay và trấn áp các thanh niên trên đường phố cho đến tận đêm khuya. Tại thủ đô Paris, mặt tiền các cửa hàng trên Đại lộ Champs-Elysees nổi tiếng đã phải bịt kín bằng gỗ để đề phòng các đối tượng kích động đập phá. Cảnh sát cho biết 6 tòa nhà công cộng đã bị hư hại và 5 sĩ quan bị thương.
Cảnh sát chống bạo động và nhân viên cứu hộ của Pháp di chuyển một phương tiện bị chắn ngang đường phố Paris, ngày 2/7. Ảnh: Reuters |
Trong suốt 5 ngày bạo loạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn cấp với chính phủ để tìm giải pháp ngăn chặn tình hình bất ổn đang lan rộng ở Paris và nhiều thành phố. Trước đó, ông Macron đã hoãn chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Đức sau 23 năm, để đối phó với cuộc bạo loạn trong nước.
Đây là lần thứ hai trong năm nay, Pháp đã phải hủy các hoạt động đối ngoại cấp cao với các nguyên thủ quốc gia do tình hình an ninh đất nước bất ổn. Hồi tháng 3, Vua Charles III của Anh đã hủy chuyến thăm Pháp do các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch tăng độ tuổi hưởng lương hưu nổ ra trên toàn quốc.
Dự kiến vào ngày 3/7, ông sẽ gặp các lãnh đạo Quốc hội và hơn 220 thị trưởng của các thị trấn, thành phố bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình.
Người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát xịt hơi cay trên đường phố thủ đô Paris, ngày 2/7. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, bạo loạn đang trở thành những khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi các cuộc biểu tình phe “Áo vàng” lan rộng khắp nước Pháp vào cuối năm 2018. Tình hình bất ổn cũng giáng một đòn mạnh vào hình ảnh của Pháp - nước chủ nhà Thế vận hội Olympic Paris 2024.
Hồi giữa tháng 4, ông Macron đã đặt mục tiêu 100 ngày để mang sự hòa giải và thống nhất cho Pháp - quốc gia đang bị chia rẽ bởi các cuộc đình công và biểu tình bạo lực phản đối cải cách hưu trí - điều mà ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử của mình. Tuy nhiên, các cuộc bạo loạn đã bùng nổ sau vụ việc bất ngờ tại Nanterre.
Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc và một số quốc gia phương Tây đã cảnh báo công dân của mình cảnh giác trước tình hình an ninh tại Pháp. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Marseille ngày 2/7 gửi đơn khiếu nại chính thức tới Chính phủ Pháp về việc một chiếc xe chở du khách của nước này bị đập vỡ kính cửa sổ do bạo loạn hôm 29/6, khiến một số người bị thương.