Trạm phân phối khí đốt Gaz-System ở Gustorzyn, miền trung Ba Lan. Ảnh: Reuters |
Cùng với Bulgaria và Phần Lan, Warsaw đã từ chối cơ chế thanh toán năng lượng bằng đồng Ruble mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố hồi cuối tháng 3. “Sau 30 năm, có thể nói rằng mối quan hệ trong ngành công nghiệp khí đốt giữa Ba Lan và Nga đã không còn”, RT dẫn tuyên bố của ông Piotr Naimsky, Cao ủy về Cơ sở hạ tầng Năng lượng Chiến lược Ba Lan.
Vị quan chức này cho biết thêm, đoạn đường ống dẫn khí đốt Yamal - châu Âu của Ba Lan, trước đây được sử dụng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga, có thể được sử dụng để dẫn khí đốt từ Đức.
Ba Lan từ chối thanh toán năng lượng Nga bằng đồng Ruble và quyết định chấm dứt hợp đồng năng lượng trước khi hết hạn. Ảnh: Getty Images |
Ba Lan vốn nhập khẩu khoảng 50% khí đốt từ Nga để sưởi ấm và cung cấp điện cho vô số hộ gia đình, nhà máy. Quốc gia này tiêu thụ trung bình khoảng 20 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, với một nửa trong số đó được cung cấp qua các đường ống từ Nga. Còn lại, khoảng 3 tỷ mét khối LNG trong nước sản xuất và hơn 6 tỷ mét khối LNG được nhập khẩu mỗi năm thông qua cảng ở biển Baltic. Phần lớn lượng LNG đến từ Mỹ và Na Uy.
Trong diễn biến liên quan, phát biểu tại Đại hội Đối thoại Thanh niên Quốc gia hôm 21/5, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đưa ra đề xuất Na Uy nên chia sẻ lợi nhuận “vượt quá giới hạn” mà họ kiếm được, trong bối cảnh giá dầu và giá khí đốt tăng vọt do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.
“Liệu chúng ta có nên trả cho Na Uy số tiền khổng lồ cho khí đốt, nhiều hơn gấp 4 hoặc 5 lần số tiền mà chúng ta đã trả một năm trước không?”, Thủ tướng Morawiecki nói. Nhà lãnh đạo này cho biết thêm rằng mức lợi nhuận năng lượng của Na Uy - quốc gia 5 triệu dân, sẽ vượt mốc 106 tỷ USD trong năm nay.
“Hãy viết cho những người bạn trẻ của bạn ở Na Uy. Họ nên chia sẻ lợi nhuận này ngay lập tức”, ông Morawiecki tuyên bố và nói thêm rằng khoản lợi nhuận này không nhất thiết phải được chia sẻ với Ba Lan mà với cả Ukraine.
Trong khi đó, Bloomberg đưa tin, PGNiG SA, công ty khí đốt chính của Ba Lan, đã chứng kiến lợi nhuận Ebitda (hoặc thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và lãi vay) tăng gần gấp đôi trong quý đầu tiên của năm 2022, đạt khoảng 2,19 tỷ USD. Lợi nhuận này chủ yếu đến từ chi nhánh của PGNiG ở Na Uy, chiếm gần một nửa tổng lợi nhuận khổng lồ trên.
Hơn nữa, Ba Lan đã tích cực tích trữ khí đốt trước khi Nga cắt đứt nguồn cung. Hãng Gascade của Đức cho biết, dòng khí đốt chảy ngược vào nước này đã tăng đột biến vào cuối tháng 4.
Nhu cầu khí đốt của Ba Lan đã tăng đều đặn trong những năm gần đây, khi nước này nỗ lực loại bỏ dần các thiết bị đốt than cũ. Warsaw dự kiến hoàn thành đường ống dẫn khí từ Na Uy vào cuối năm nay. Dự án lớn này được kỳ vọng sẽ giúp Ba Lan giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Vào tháng 3, Moscow đã yêu cầu "các quốc gia không thân thiện" phải thanh toán hợp đồng năng lượng bằng đồng nội tệ Ruble. Động thái này nhằm đáp trả các nước đã tham gia trừng phạt và đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ngay cả khi một số nước lên tiếng phản đối, vẫn có khoảng một nửa trong số 54 nhà nhập khẩu khí đốt của Nga đã chấp thuận mở tài khoản bằng đồng Ruble tại Ngân hàng Gazprombank, đồng thời tuân thủ các quy định thanh toán mới mà Moscow đặt ra.
Đầu tháng này, Brussels đã ban hành hướng dẫn bằng văn bản mới nhất, trong đó các công ty có thể mua khí đốt của Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt, nếu họ tiếp tục thanh toán bằng đơn vị tiền tệ của các hợp đồng hiện có. Tuy nhiên, EU không đề cập đến việc mở tài khoản bằng đồng Ruble có vi phạm các lệnh trừng phạt hay không.