Ngày 6/4, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và khảo sát tại Giàn công nghệ trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam) về Đề án “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu. |
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết 41 có vai trò quan trọng không chỉ với ngành dầu khí, mà còn tạo cơ hội cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bứt phá và trở thành một “cực” tăng trưởng, một trung tâm của công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, không chỉ là dầu khí mà còn của điện gió, điện gió ngoài khơi cũng như các loại năng lượng tương lai.
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong trong việc nghiên cứu, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 41. Cụ thể, tỉnh luôn chú trọng đến việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành dầu khí tại tỉnh gắn với các quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên và phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan gắn với các cơ chế, chính sách cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án dầu khí…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 41, tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt; Các dự án thu gom khí ngoài khơi dừng, giãn tiến độ theo kết quả thẩm lượng và tiến độ phát triển mỏ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng của các công ty dầu khí;
Quy hoạch ngành dầu khí đã có phê duyệt danh mục các dự án, công trình dầu khí nhưng chưa gắn với địa điểm, hướng tuyến cụ thể, tổng nhu cầu sử dụng đất để làm cơ sở cho địa phương cập nhật vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai nên dễ phát sinh vướng mắc về thủ tục đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện đầu tư dự án, công trình dầu khí tại địa phương…
Do đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan về việc phát triển ngành dầu khí. Tỉnh cũng cần cụ thể hóa các chủ trương của Bộ Chính trị và kế hoạch hành động của Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch chi tiết trên cơ sở tính toán kỹ các nguồn lực thực hiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn.
Để làm được những điều này, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tỉnh phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể là nghiên cứu, chủ động đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Có các cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đồng thời phối hợp đào tạo với các đô thị đặc biệt, như TP HCM, Hà Nội hoặc các trung tâm đô thị lớn, như Đà Nẵng, Cần Thơ.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tiếp tục phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Đây là 4 trụ cột động lực tăng trưởng của địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng ngành dầu khí.
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, làm rõ trong thời gian sớm nhất, theo chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Đối với phát triển điện gió ngoài khơi liên quan đến sự tham gia, đầu tư của một số doanh nghiệp dầu khí trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế Trung ương sẽ rà soát quy định liên quan để đề xuất tháo gỡ cho ngành dầu khí trong quá trình xây dựng Đề án theo hướng phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển và phát huy tốt nhất tiềm năng lợi thế của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển điện gió ngoài khơi.
Tại phiên làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) tại Giàn công nghệ trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ, thuộc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao hoạt động của Petrovietnam đã có tác động trực tiếp, mạnh mẽ làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cũng như sự tăng trưởng kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều địa phương khác.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và đoàn công tác khảo sát tại giàn trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. Nguồn: Petrovietnam. |
Cùng với đó, Petrovietnam tích cực góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, trong quá trình xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW để trình Bộ Chính trị trong quý 2/2023, Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu kỹ các cơ sở khoa học và thực tiễn để làm cơ sở báo cáo Bộ Chính trị sớm về một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Petrovietnam, đặc biệt là tạo động lực về thể chế để tập đoàn phát triển bền vững theo hướng là tập đoàn kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, năng lượng dầu khí.