Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế xã hội đất nước đã có bước phát triển tích cực với nhiều điểm sáng. Trong thành tích chung đó, ngành công thương đã dồn sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, đột phá để đóng góp chủ lực vào bức tranh tăng trưởng kinh tế với nhiều kết quả ngoạn mục.
Điểm lại năm vừa qua, Bộ Công Thương đã công bố 10 dấu ấn nổi bật của ngành công thương, đặc biệt là những đột phá trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm:
1. Năm 2024 là năm đột phá trong công tác tham mưu chính sách của Bộ Công Thương với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo về dự án Luật Điện lực sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thứ XV. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Ngày 30/11/2024, Quốc hội khoá XV chỉ trong một kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi với tỷ lệ tán thành cao 91,65%.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp xây dựng và trình Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu…);
Đồng thời, Bộ cũng đã tập trung, nỗ lực tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và cơ chế tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, tạo thuận lợi cho sự phát triển bứt phá và bền vững ngành năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Trong nửa đầu năm 2024, Bộ Công Thương cũng đã nhanh chóng xây dựng, tham vấn ý kiến, trình Chính phủ ban hành và ban hành Kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch khoáng sản; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai một cách thuận lợi, hiện thực hoá các chiến lược.
2. Năm 2024 đánh dấu kỳ tích của dự án Đường dây 500 kV mạch 3 với loạt kỷ lục về thời gian thi công, khối lượng công việc, huy động nguồn lực, cơ chế giải quyết vướng mắc.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với tổng chiều dài khoảng 519 km, có quy mô 1.177 cột; trong đó, cột cao nhất là 145 m, cột nặng nhất tới 415 tấn, thi công trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đi qua nhiều địa hình hiểm trở. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 6 tháng thi công với khối lượng công việc khổng lồ, dự án đã vượt qua những điều tưởng như không thể để về đích.
Lễ gắn biển các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên). Nguồn: Bộ Công Thương. |
Dự án này hoàn thành cùng với các tuyến đường dây 500 kV mạch 1 & 2 sẽ trở thành trục xương sống quan trọng, góp phần cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn mới.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, ngành dầu khí cũng có những dấu ấn quan trọng trong năm vừa qua, với việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã triển khai các dự án trọng điểm quy mô siêu lớn, phức tạp, công nghệ cao như chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn và dự án Lạc Đà Vàng.
Mặt khác, năm 2024, Petrovietnam cũng đặt mục tiêu hướng tới vượt ngưỡng kỷ lục 1 triệu tỷ đồng doanh thu. Với kết quả sản xuất kinh doanh 11 tháng cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu trọng yếu, đạt 903.843 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2023, Petrovietnam quyết tâm hoàn thành kế hoạch nêu trên và chuẩn bị động lực cho mục tiêu tăng trưởng hơn 10% trong năm 2025.
3. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%; trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên một tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD. Nguồn: Bộ Công Thương. |
4. Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4%; trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10%, so với năm 2023 chỉ dưới 1%.
Năm 2024, mặc dù gặp nhiều thách thức lớn do sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng tới sức cầu của nhiều ngành công nghiệp; tình hình bão lũ, thiên tai - đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 3 cũng đã có nhiều tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhờ các nỗ lực chỉ đạo, điều hành chính sách của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4%, cao hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng 0,9% của cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trở lại vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi và tăng trưởng trên diện rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Đột phá khai mở thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi, Nam Âu và thị trường Halal với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA), mở cánh cửa lớn triển vọng ký kết loạt FTA mới.
Ngày 28/10/2024, sau hơn một năm đàm phán, Việt Nam và UAE đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA). Đây là FTA đầu tiên Việt Nam ký với một nước Arabia, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với UAE.
Từ đây, mở ra thêm rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta vào thị trường Halal - một thị trường rất rộng lớn. Hiện nay, ngành công nghiệp Halal đang phát triển mạnh mẽ với hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới.
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Mohammed bin Rashid Al Maktoum chứng kiến lễ trao văn kiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal từ sản xuất đến phân phối đang trở thành xu hướng quan trọng, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt hơn 7.000 tỷ USD năm 2024, dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Tổng số người theo đạo Hồi năm 2024 khoảng 2,2 tỷ người, dự kiến tới năm 2030 sẽ đạt 2,8 tỷ người (30% dân số thế giới), tăng gấp đôi tốc độ gia tăng dân số của các tôn giáo khác. Ngành công nghiệp Halal được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại các thị trường châu Á, Trung Đông và châu Phi.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, bên cạnh các thị trường truyền thống, trong năm 2024, ngành công thương đã tiếp tục thúc đẩy, đàm phán tiến tới ký kết các FTA với Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA), Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR) và Canada...
6. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 9% tổng mức hàng hoá tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm.
Năm 2024, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước, giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đáng chú ý, thương mại điện tử xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Điều này kéo theo công tác quản lý Nhà nước ngày càng được chú trọng, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Năm 2024, thương mại điện tử của Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD. Nguồn: Bộ Công Thương. |
7. Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc 9%, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.
Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 9% so với năm 2023, đạt mục tiêu kế hoạch ở mức cao. Tăng trưởng thị trường trong nước đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ Công Thương cũng đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế, điều hành linh hoạt, ổn định thị trường xăng dầu năm 2024 và tích cực chủ động tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý kinh doanh xăng dầu
Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu mốc 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương giúp cho hàng Việt Nam, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng - những mặt hàng có thế mạnh đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%; tại hệ thống phân phối nước ngoài là 80 - 90%; tại hệ thống chợ là 60 - 65%...
Năm 2024, Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024 về phát triển và quản lý chợ; tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác phát triển và quản lý chợ, tạo động lực phát triển kênh phân phối hàng hoá chủ lực của nước ta.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham quan Khu Triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguồn: Bộ Công Thương. |
8. Đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại theo hướng đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và bền vững; nâng giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh” với hàng ngàn sự kiện xúc tiến thương mại được tổ chức ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp vùng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay... đã giúp định vị, quảng bá nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, ngành hàng, giúp khơi thông dòng chảy hàng hóa Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh, tham gia vào mạng lưới thương mại toàn cầu.
Theo báo cáo của Brand Finance năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng một bậc và tăng 2% về giá trị so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng cao so với năm 2023 (đạt 498,13 tỷ USD).
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch... đã mang lại hiệu quả cộng hưởng tác động tích cực lẫn nhau giữa các lĩnh vực. Tiêu biểu như Lễ hội trái cây được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu tổ chức tại Bắc Kinh đã tạo ra tiếng vang lớn và hiệu ứng rất tích cực trên thị trường nhập khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam.
Sự lồng ghép đào tạo, tập huấn kỹ năng đã giúp sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã vươn xa, tiếp cận được các thị trường xuất khẩu lớn với chi phí thấp hơn, thông qua các nền tảng số. Đổi mới trong xúc tiến thương mại còn được thực hiện ngay từ khâu quản lý Nhà nước. Cụ thể, việc tăng cường phân cấp, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã giúp doanh nghiệp giảm được 90% chi phí, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả marketing, xúc tiến thương mại.
9. Phòng vệ thương mại tích cực, chủ động, vững chắc, xử lý thành công hầu hết vụ việc, bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Trong tổng số gần 30 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng mới năm 2024, hàng hoá xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với 5 vụ việc kép (vừa điều tra chống bán phá giá vừa điều tra chống trợ cấp), đặc biệt điều tra chống trợ cấp lên tới 6 vụ việc.
Năm 2024 cũng ghi nhận thêm một thị trường lần đầu tiên điều tra với Việt Nam là Nam Phi, đưa tổng số nước/vùng lãnh thổ từng điều tra phòng vệ thương mại với ta thành 25 thị trường. Hoa Kỳ vẫn là thị trường khởi xướng nhiều vụ việc nhất, chiếm khoảng 1/3 số vụ việc. Bên cạnh các vụ việc mới khởi xướng, Bộ Công Thương đã tham mưu và chủ trì, xử lý thành công phần lớn trong hơn 100 vụ việc từ những năm trước vẫn đang trong quá trình điều tra/rà soát áp dụng biện pháp.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 như: Hoa Kỳ chấm dứt điều tra phòng vệ thương mại với tủ gỗ, nhôm đùn ép, bánh xe kéo bằng thép; các doanh nghiệp hợp tác được hưởng thuế 0% trong vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống lẩn tránh pin năng lượng mặt trời… giúp nhiều ngành hàng giữ được thị trường xuất khẩu.
10. Chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" và phải được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, mặc dù không phải là bộ phải sáp nhập theo chủ trương của Trung ương, Bộ Công Thương đã lập tức vào cuộc, chủ động triển khai.
Bộ đã tiếp tục cơ cấu tại tổ chức, kết thúc hoạt động của Tổng cục Quản lý thị trường, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản nhiều cục, vụ chức năng và các trường, viện, đơn vị sự nghiệp; giảm số công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính; hướng tới một mô hình quản lý, hoạt động hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bộ Công Thương chủ động đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ.
Ngành Công Thương cần tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong năm mới 2025
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương chiều 23/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao báo cáo tổng kết phong phú, đa dạng, súc tích và toàn diện, chi tiết những kết quả đạt được năm 2024 của toàn ngành Công Thương.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các ý kiến đề xuất, đề nghị của các đại diện, đơn vị trong ngành và địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu, hiện thực hoá trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
"Mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp. Trong đó, đòi hỏi ngành công thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này. Nhiệm vụ đặt ra rất lớn, nhưng cũng hết sức vinh quang” |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
Vì vậy, Phó Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề để ngành Công Thương nghiên cứu, triển khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo.
Đầu tiên, muốn giải phóng các nguồn lực, thu hút đầu tư việc đầu tiên là phải tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại. Cần tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược.
Cần sớm rà soát, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, của nền sản xuất Việt Nam. Phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, ban hành cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp trọng điểm như luyện kim; cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử, bán dẫn; phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng, công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh việc chủ động điều độ, vận hành hệ thống, nhất là sau khi Bộ đã tiếp nhận và thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện (NSMO), cần tập trung triển khai và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng, thị trường điện, trong đó có rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, phù hợp với xu thế chung của thế giới và tiềm năng, lợi thế, điều kiện của đất nước.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chỉ đạo các cơ quan Thương vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao thực hiện tốt vai trò cầu nối cho doanh nghiệp 'bám rễ' thị trường.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước. Theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm, lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương triển khai công tác sắp xếp tổ chức sau khi được Chính phủ phê duyệt để nhanh chóng ổn định tổ chức, đảm bảo không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn tổ chức cũ.