Cơ sở hạ tầng hư hại do bão Yinxing tại Camalaniugan, tỉnh Cayagan, Philippines ngày 8/11/2024. Ảnh: AP |
Tính tới sáng sớm ngày 11/11, bão Toraji đang di chuyển cách thị trấn Casiguran, tỉnh Aurora, đảo Luzon khoảng 100km về phía đông. Với sức gió suy trì lên tới 130km/h và gió giật lên tới 180 km/h, bão dự kiến sẽ di chuyển về phía tây bắc qua đảo Luzon và suy yếu khi di chuyển vào Biển Đông.
Trước đó từ ngày 10/11, hãng tin AP cho biết Bộ trưởng Nội vụ Philippines Jonvic Remulla đã ra bắt buộc sơ tán đối với người dân tại 2.500 ngôi làng dự kiến sẽ bị bão Toraji, tên địa phương là Nika, tấn công với nguyên nhân các khu vực núi, thung lũng và đồng bằng ngập nước mưa ở Luzon dễ bị lũ quét và sạt lở đất hơn.
Trả lời các phóng viên, ông thúc giục người dân rằng họ không có nhiều thời gian để di chuyển tới nơi an toàn do bão đang tiến gần một cách vô cùng nhanh chóng. "Chúng tôi hiểu rằng một số người dân muốn ở lại, nhưng chúng tôi buộc phải đưa họ ra ngoài," ông Remulla cho biết.
Khu vực được dự đoán chịu ảnh hưởng bởi bão Toraji – đảo Luzon – là nơi mà chỉ một ngày trước đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tới kiểm tra thiệt hại từ cơn bão mới nhất là bão Yinxing (tên địa phương là bão Marce) và chỉ đạo việc phân phát các gói viện trợ thực phẩm cho người dân.
Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Philippines khẳng định chính phủ sẽ duy trì việc cung cấp viện trợ cho người dân tại khu vực phía bắc Luzon cho tới khi tình hình được khôi phục bình thường trở lại. Nhằm theo dõi sát sao tình hình bão mới cũng như giám sát các nỗ lực phục hồi tại các khu vực chịu ảnh hưởng của các cơn bão liên tiếp, ông Marcos đã quyết định không tham dự diễn đàn Hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru từ 10/11 cho tới 16/11 tới.
Ba cơn bão gần đây nhất tại Philippines, trong đó bao gồm bão Yinxing, bão Kong Rey và bão Trami đã khiến hơn 160 người tại Philippines thiệt mạng trong khi phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và đất nông nghiệp cũng như gây ảnh hưởng đến hơn 9 triệu người. Hàng trăm nghìn người tại khu vực phía bắc và trung Philippines đã buộc phải sơ tán tới những nơi trú ẩn khẩn cấp trong bối cảnh bão khiến một số thành phố và thị trấn ghi nhận lượng mưa từ một đến 2 tháng chỉ trong vòng 24 giờ.
Philippines là một quốc gia thường xuyên hứng chịu bão và động đất cũng như chịu ảnh hưởng của nhiều ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động, khiến nơi này trở thành một trong những nơi dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Trước đây vào năm 2012, bão Haiyan, một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất được ghi nhận, đã khiến hơn 7.300 người chết hoặc mất tích, san phẳng toàn bộ các ngôi làng và khiến tàu thuyền mắc cạn và đập vào nhà dân ở miền trung Philippines.