Theo hãng thông tấn KCNA, Hiệp ước phòng thủ chung bao gồm các cam kết của Nga và Triều Tiên về việc hỗ trợ lẫn nhau, gồm cả hỗ trợ quân sự trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công vũ trang. Theo thỏa thuận, hai nước này sẽ hợp tác với nhau để đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài trong khu vực và quốc tế.
Hiệp ước này có một điều khoản nêu rõ "nếu một trong hai bên bị bất kỳ quốc gia nào hay một số quốc gia tấn công và thấy mình trong tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ ngay lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự cũng như hỗ trợ khác bằng mọi cách theo Điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc gia".
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại một hội nghị thượng đỉnh cấp nhà nước tại Pyongyang, Triều Tiên hồi tháng 6/2024. Ảnh: Theo Reuters. |
Nga và Triều Tiên cũng cam kết không ký bất kỳ thỏa thuận nào với các bên thứ ba nhằm chống lại chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự do lựa chọn và sự phát triển của các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa cũng như các lợi ích quan trọng khác của nhau. Ngoài ra, hai nước cũng cam kết không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nhau.
Hiệp ước sẽ có hiệu lực khi hai bên trao đổi các văn kiện phê chuẩn. Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua hiệp ước này, đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ quân sự giữa Nga và Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên đạt được thỏa thuận về hiệp ước này tại một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6/2024. Tại hội nghị, ông Kim Jong Un nhận định, hiệp ước là một bước nhằm nâng tầm quan hệ song phương giữa hai nước Nga - Triều Tiên, hướng tới một liên minh bền vững hơn.
Theo Reuters, động thái này diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế, trong đó có Hàn Quốc, Mỹ và Ukraine, đã lên tiếng về việc Triều Tiên đưa hơn 10.000 binh sĩ đến Nga để huấn luyện và phần lớn lực lượng này đã tham gia chiến đấu tại khu vực biên giới Kursk của Nga – nơi quân đội Ukraine kiểm soát một phần lãnh thổ kể từ tháng 8/2024.
Những báo cáo về thương vong của binh sĩ Triều Tiên cũng làm gia tăng lo ngại về tình hình an ninh tại khu vực và có thể tạo ra những căng thẳng mới khi đang diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, cả Nga và Triều Tiên đã bác bỏ cáo buộc đồng thời khẳng định ngay cả khi lính Triều Tiên được điều động đến Nga, điều đó cũng không vi phạm luật pháp quốc tế. Phía Nga cũng nhấn mạnh, sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không nhằm vào bên thứ ba nào.