Ảnh minh họa. |
Ngày 28/4, Hội thảo xúc tiến phát triển du lịch với chủ đề “Phát triển du lịch thông minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre” diễn ra tại Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú).
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi, chia sẻ thảo luận nhằm mở rộng hợp tác, xúc tiến thương mại, từ đó phát huy tiềm lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững hoạt động du lịch.
Đồng thời, gắn kết phát triển mạnh mẽ các sản phẩm thương hiệu bản địa, tiến tới xây dựng thương hiệu địa phương hướng đến một Bến Tre xanh và phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của đại diện các viện, trường, các nhà khoa học, doanh nghiệp về giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Thạnh Phú nói riêng đã được đóng góp trong hội thảo.
Trong đó, các giải pháp tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyển đổi số ngành du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa, kết nối chặt chẽ giữa chính quyền, các doanh nghiệp và khách du lịch…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng dụng chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch.
Công nghệ 4.0 đã được các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng vào quảng bá, truyền thông hình ảnh, dịch vụ, sản phẩm du lịch. Ngoài ra, các đơn vị cũng tích cực xây dựng, thiết kế các trang mạng xã hội để quảng bá các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ngành Du lịch tỉnh Bến Tre cũng tập trung triển khai ứng dụng du lịch thông minh, các di tích văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh bước đầu thực hiện việc mã hóa thông tin, từng bước ứng dụng thực tế ảo VRG 360 trong giới thiệu và thuyết minh... góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Đồng thời, tạo kênh thông tin kết nối giữa ba đối tượng gồm du khách, chính quyền và doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, hiện du lịch của Bến Tre vẫn còn những hạn chế như chưa đáp ứng yêu cầu nguồn lực để phát triển đồng bộ và bền vững hệ sinh thái du lịch thông minh, khi phần lớn doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ.
Kiến thức, trình độ, kỹ năng của đội ngũ nhân lực du lịch về du lịch thông minh, công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ trên nền tảng số giữa các chủ thể liên quan vẫn chưa đạt theo yêu cầu...
Ngoài ra, sau khi thảo luận, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc phát triển du lịch thông minh, cần tăng cường tạo mối liên kết hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre với các công ty du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, hiệp hội/tạp chí du lịch ở TP HCM, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Trên thực tế, mối liên kết này càng chặt chẽ bao nhiêu thì lợi ích ngành du lịch đem lại cho địa phương sẽ càng lớn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế cũng như thực hiện các hoạt động văn hóa - xã hội khác. Tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các huyện ven biển với các huyện khác trong tỉnh Bến Tre và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Nhằm gia tăng kết nối giữa các doanh nghiệp, trong chuỗi Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Biển Thạnh Phú năm 2023, có 9 biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch được ký kết giữa các đơn vị du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch và phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và khai thác tài nguyên bản địa tỉnh Bến Tre.