Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân, sáng 2/1. Nguồn: Bộ Công Thương. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tháng 11/2024 vừa qua, Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 sau 8 năm tạm dừng dự án này. "Đây là chủ trương lớn, rất đúng, trúng, phù hợp với tình hình hiện nay", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhu cầu năng lượng đang tăng lên rất nhanh trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam, trong khi nguồn năng lượng điện truyền thống thì không còn dư địa để phát triển.
Điện hạt nhân được xác định là nguồn điện nền, điện sạch có khả năng đạt đỉnh công suất thiết kế, hay nói cách khác hiệu suất của nguồn điện này là rất cao, với khả năng kích hoạt nhanh và phù hợp với mục tiêu của Việt Nam là trung hòa carbon.
Nguồn điện này cũng là xu thế tất yếu của thế giới, rất nhiều quốc gia đã khởi động và phát triển rất mạnh, kể cả các nước có ý định đóng cửa các nhà điện hạt nhân sau sự cố nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản đều đã mở trở lại. Bên cạnh đó, việc phát triển các công nghệ mới như AI, IoT, bán dẫn cũng cần rất nhiều năng lượng, nếu không có nguồn điện công suất lớn thì không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Hiện nay, đã có nhiều công nghệ, nhiều nước phát triển an toàn điện hạt nhân, thậm chí an toàn hơn các nguồn điện khác, với quy mô linh hoạt.
Việt Nam là quốc gia có đủ điều kiện để phát triển điện hạt nhân
"Qua khảo sát, Việt Nam có khoảng 13 - 14 điểm, trải dài từ Bắc vào Nam rất phù hợp để phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ. Ở những nơi có phụ tải thấp, hay những nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo mà có thêm nguồn điện hạt nhân sẽ rất thuận lợi trong việc khai thác phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo; cùng với nguồn điện nền, nguồn năng lượng sạch vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng điện đất nước, vừa giải quyết mục tiêu trung hòa carbon". |
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Hơn nữa, theo Bộ trưởng, Việt Nam cũng là quốc gia có dân số trẻ, trình độ tiếp cận lĩnh vực này rất nhanh, không chỉ cung cấp cho nhu cầu trong nước mà còn sẵn sàng đáp ứng cho khu vực và thế giới.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, để phục vụ chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn nhân lực trong cả ngắn hạn và dài hạn là vô cùng cần thiết, từ nghiên cứu, phát triển năng lượng hạt nhân đến nhân lực về kỹ thuật và vận hành.
Bộ Công Thương là cơ quan được Chính phủ trực tiếp giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan và các địa phương tham mưu triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2. Bộ đã có đề xuất Ban Chỉ đạo và Chính phủ, dự kiến sẽ tổ chức họp thống nhất công việc, thúc đẩy tiến độ, triển khai các công việc trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, Bộ đã đề xuất Chính phủ cho phép cập nhật quy hoạch điện hạt nhân cách đây 15 năm và có rà soát điều chỉnh bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét tái chỉ định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là chủ đầu tư 2 nhà máy hạt nhân Ninh Thuận 1, 2.
"Bộ Công Thương đã rà soát, cập nhật, điều chỉnh lại hồ sơ để đề xuất cấp có thẩm quyền thay đổi công nghệ, thay đổi quy mô. Bộ cũng đề xuất Chính phủ cho phép tiến hành quy định tái đàm phán với các đối tác, bước đầu đã có 2 đối tác là Nga và Nhật Bản rất quan tâm đến chương trình này. Bộ đang cùng EVN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân.
Hôm nay, chúng ta chính thức khởi động chương trình chuẩn bị nguồn nhân lực cả trong trước mắt và dài hạn cho chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ban cán sự, lãnh đạo Bộ hoan nghênh Vụ Khoa học và Công nghệ đã kịp thời phối hợp các cơ quan liên quan để có Hội nghị hôm nay," Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Theo đó, tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu làm rõ sự cần thiết sự chuẩn bị sớm, đủ nhân lực chất lượng cao, nhân lực kỹ thuật cho chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, đề xuất những công việc cần làm và phương hướng, giải pháp để thực hiện những công việc đó.
Thông qua trao đổi tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương cũng đề nghị các đại biểu có đề xuất với Đảng, Nhà nước những chính sách trong lĩnh vực điện hạt nhân nói chung, đặc biệt trong đảm bảo phát triển nguồn nhân lực.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan. Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hoá chủ trương này. |