Bộ GTVT: Vướng mắc về vốn cho cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được giải quyết

giao thông QUỐC HỘI
14:43 - 08/06/2023
Cao tốc Bến Lức - Long Thành bị đình trệ nhiều năm do thiếu vốn. Ảnh minh họa
Cao tốc Bến Lức - Long Thành bị đình trệ nhiều năm do thiếu vốn. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm tiến độ là do chủ đầu tư gặp khó khăn trong nguồn vốn đối ứng. Đến nay, vướng mắc này đã được giải quyết.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM) cho biết, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 nhưng đang bị chậm tiến độ. Bà Hạnh đề nghị Bộ trưởng thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành của dự án này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân chính của việc chậm trễ đối với dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn trong nguồn vốn đối ứng. Thiếu vốn đối ứng nên nguồn vốn JICA, ADB cũng không giải ngân được, khi hiệp định hết hạn cũng không gia hạn được. Để tháo gỡ, Bộ GTVT đã phối hợp Ủy ban Quản lý vốn và VEC trình Chính phủ, Quốc hội đề xuất phương án tháo gỡ vấn đề tài chính.

Theo Bộ trưởng, đến nay các vướng mắc đã được giải quyết. Vốn JICA được Quốc hội giao, vốn đối ứng được Chính phủ thống nhất chủ trương giao cho VEC, các nhà thầu đang triển khai thi công lại. “Thách thức lớn nhất của tuyến này là 2 cây cầu sử dụng nguồn vốn JICA. Khi nguồn vốn đối ứng được giải quyết, các nhà thầu sẽ tiếp tục xây dựng, hai cây cầu dự kiến hoàn thành chậm nhất trong quý 3/2025”, Bộ trưởng GTVT nói.

"Nguồn vốn hiện nay cơ bản được tháo gỡ và VEC cũng đang chuẩn bị các quy trình, thủ tục, kể cả điều chỉnh dự án để tiếp tục triển khai thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Nói về sự chậm trễ của cao tốc Bến Lức – Long Thành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nguyên nhân về vốn như Bộ trưởng Thắng nói "chỉ là một phần". Qua thị sát, theo Chủ tịch Quốc hội, vướng mắc mấu chốt hiện nay là việc khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi việc thi công phải dừng, nghỉ. Họ yêu cầu đền bù rất nhiều. "Chưa giải quyết được việc này thì tiến độ dự án còn tiếp tục chậm", Chủ tịch Quốc hội lo ngại.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết thêm, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành khởi công năm 2014, với tổng mức đầu tư khoảng 31.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2019 phải tạm dừng, chủ yếu do vướng về nguồn vốn.

Theo ông Khái, muốn triển khai dự án này phải có vốn nhưng ngân sách Nhà nước không được bố trí cho dự án ODA theo hình thức BOT mà phải dùng nguồn vốn hợp pháp khác, trong khi đàm phán ODA đang gặp khó. Tiền thu phí của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có cơ chế riêng là để đáp ứng trả nợ 5 dự án vay vốn của đơn vị này.

"Tôi nghĩ phải tính toán kỹ cơ chế nguồn vốn, đàm phán với nhà đầu tư để khởi động lại dự án sớm nhất có thể. Chính phủ sẽ tích cực, nỗ lực để có vốn cho dự án này", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, do VEC làm chủ đầu tư, Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An. Một đầu nối với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đầu còn lại nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, tuyến cao tốc dài 58 km này không chỉ rút ngắn thời gian từ Long An sang Đồng Nai xuống 2 giờ, mà đặc biệt sẽ giảm ùn tắc cho TP.HCM cũng như giảm tải cho tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện hữu, giải tỏa kết nối cho khu vực miền Tây sang miền Đông Nam bộ, góp phần giảm áp lực giao thông cho QL1A, QL51...

Trước tình trạng chậm tiến độ, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trong đó, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 30/9/2025 và điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn... Ngày 30/3/2023, Chính phủ cũng đã có nghị quyết giao chủ đầu tư là VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí đủ số vốn đối ứng để tiếp tục triển khai dự án.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: Thảo Ngân

Nhà trong ngõ tại Hà Nội tăng giá

Trong bản tin thị trường bất động sản nửa đầu tháng 4 do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố, bất động sản nhà riêng trong ngõ tại trung tâm Thủ đô liên tục ghi nhận mức giá tăng.