Chuẩn bị diễn ra Diễn đàn quốc gia việc làm cuối tháng 8. |
Tại hội nghị giao ban tháng 8 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung chủ trì, ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính nhận định thị trường lao động đang ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm là 50,3 triệu người, tăng 417,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, tăng 762,0 nghìn người.
Về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tính đến nay Trung ương và các địa phương đã dành gần 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho trên 728 nghìn lượt người sử dụng lao động, gần 50 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Riêng Nghị quyết số 68/NQ-CP đến nay đã hỗ trợ tổng kinh phí là trên 43,7 nghìn tỷ đồng cho 381,6 nghìn lượt người sử dụng lao động, trên 36,97 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ông Phụng thông tin, đến nay, có 37 địa phương đã giải ngân hỗ trợ gần 479 tỷ đồng (bằng 7,26% tổng kinh phí dự kiến) cho gần 718.400 lao động.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm, Bộ LĐTB&XH đã trình 05 đề án theo tiến độ được giao, gồm 2 Nghị định, 3 quyết định (Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định).
Khái quát quát kết quả hoạt động 7 tháng vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá: "Bộ LĐTB&XH đã giải quyết được nhiều việc tồn đọng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy phạm pháp luật tham mưu cấp chính phủ, Trung ương cơ bản hoàn thành; các văn bản tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn chúng ta đã làm được".
“Từ Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/ NQ-CP, đến các chính sách hỗ trợ, hỗ trợ đột xuất, cứu trợ; rồi 7 tháng qua, lũ, bão xảy ra bất ngờ, bất thường, thiệt hại tuy chưa giảm so với năm ngoái nhưng Bộ đã có những chính sách kịp thời, và xử lý linh hoạt”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Dũng cũng chỉ ra một số nhiệm vụ triển khai có hiệu quả chưa cao như chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà tại các khu vực công nghiệp, khu chế xuất…mới chỉ được 5,4% so với dự kiến nhu cầu hỗ trợ.
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung
"Nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn, lao động thiếu ở một số địa bàn, thiếu cục bộ ở một số ngành. Trong năm nay lực lượng lao động nhảy việc tương đối nhiều. Hầu hết tình trạng nhảy việc xảy ra liên quan đến thu nhập thấp. Người lao động có quyền lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn... Những đơn vị doanh nghiệp gần đây hạn chế việc làm thêm đồng nghĩa tỷ lệ lao động nhảy việc nhiều".
Phát triển thị trường lao động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Về nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH rà soát lại 5 nhiệm vụ trọng tâm, 19 chỉ tiêu, 15 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 73 nhiệm vụ cụ thể theo Quyết định số 18/QĐ-LĐTBXH ngày 10/01/2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, tập trung toàn lực vào thực hiện 3 văn bản cần hoàn thiện, gồm: Nghị quyết Trung ương 7, khóa XIII về chính sách xã hội 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và Hồ sơ sửa đổi Luật Việc làm.
Về nhiệm vụ các tháng cuối năm, ông Dung yêu cầu "cần tập trung phát triển thị trường lao động. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và đặt nền móng cho vấn đề lao động trong nhiệm kỳ này”.
"Từ nay đến cuối tháng 8, chuẩn bị tốt Diễn đàn quốc gia việc làm, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Đây là cơ hội để truyền tải thông điệp của chúng ta về tranh thủ lợi thế dân số vàng”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, trình phê duyệt, tổ chức công bố và triển khai 03 quy hoạch ngành quốc gia do Bộ LĐTBXH tổ chức lập theo Luật Quy hoạch gồm: hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; cơ sở trợ giúp xã hội và mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng Dung cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tập trung cho chuyển đổi số. Thống nhất cao trong tư tưởng chỉ đạo, tạo sự đồng bộ, liên kết giữa các đơn vị.
“Phấn đấu trong quý IV rà soát xong, làm sạch cơ sở dữ liệu về bảo trợ xã hội và giảm nghèo để đẩy mạnh vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hướng tới sẽ là lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước và bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động”, Bộ trưởng nói.