Ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT. |
Phải đạt được tốc độ thay đổi của công nghệ
Chia sẻ tại Hội thảo Phát triển sự nghiệp thời suy thoái kinh tế do Viện Quản trị & Công nghệ FSB thuộc Đại học FPT tổ chức ngày 19/10 vừa qua, bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho biết, theo nghiên cứu Navigos, lao động giản đơn như người vận hành trong nhà máy sẽ dễ mất việc trong thời đại số như hiện nay. Ngược lại, các nghề liên quan đến bán hàng, công nghệ vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lớn.
Tuy nhiên bà Lan cũng bày tỏ lo ngại khi với công việc sáng tạo, robot cũng đã có thể thay thế con người. "Đặc biệt là khi chat GPT ra đời, tôi chợt nhận ra rằng những gì tưởng là lợi thế của con người thì bây giờ trở thành điểm yếu. Thế nên để dự báo chính xác nghề nào sẽ lên, nghề nào sẽ xuống trong tương lai là rất khó", bà Ngọc Lan nói.
Có những cái ngày hôm qua tưởng đúng, hôm nay lại sai mất rồi. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta thật sự không có khả năng để vượt qua công nghệ thì ít ra cũng phải đạt được tốc độ thay đổi của nó, chưa biết dùng thì tạm biết dùng, biết dùng rồi thì biết cách mã hoá chúng hoặc xa hơn.
Nếu không trở thành chuyên gia ở lĩnh vực nào đó thì sẽ bị lùi lại
Theo ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, sự phát triển của công nghệ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của khoảng 2,6 triệu người. Trước đây, một kỹ sư ra trường có hai loại ngôn ngữ là có mức lương 20 triệu – 30 triệu/tháng. Một là tiếng Anh, tiếng Nhật hoặc tiếng Đức; hai là ngôn ngữ lập trình phù hợp. Nhưng hiện nay như thế là chưa đủ. Công nghệ bigdata, AI, blockchain… đòi hỏi trình độ của người kỹ sư phải cao hơn.
“Thực tế, con tôi tốt nghiệp đại học ở Mỹ và có thể kiếm được 50.000 USD/năm. Tôi đề nghị con học thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính và ngay lập tức mức lương nhảy lên 70.000 USD, được trọng dụng. Từ đó có thể thấy, thị trường lao động ngày hôm nay đã khác xưa. Nếu bạn không trở thành chuyên gia ở lĩnh vực nào đó thì sẽ bị lùi lại. Cách đây 6 năm, tôi có nói về khái niệm học tập suốt đời, lúc đó có thể hơi phù phiếm nhưng hiện nay thì không”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Để nâng cao trình độ, trở thành master (chuyên gia) trong thời buổi này, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng không còn cách nào khác là phải học. Ông Tiến nhớ lại, khi quản trị công ty có doanh thu 700-800 triệu đô cách đây 15 năm, ông hiểu rằng bản thân đã bắt đầu đạt đến giới hạn kiến thức và quyết định đi học.
Từ đó đến nay, ông đã tham gia rất nhiều các khoá học, từ ngắn đến dài hạn. Từ đó, ông cũng rút ra những phương pháp học tập hiệu quả. Đó là học từ thầy giỏi, học từ bạn giỏi, học từ những người trẻ hơn mình và đặc biệt là học từ công nghệ. “AI là kho trí tuệ khổng lồ để học. Phần lớn chúng ta dùng chat GPT không hiệu quả là vì không học”, ông Hoàng Nam Tiến nhận định.
Ông Tiến chia sẻ thêm, ở FPT, 100%, bất kể vị trí nào, từ chủ tịch cho đến nhân viên đều phải học. Theo ông, người lãnh đạo, đặc biệt là người lãnh đạo cao nhất phải biết rằng định hướng của doanh nghiệp mình đang hướng về đâu để có những chính sách khuyến khích các nhóm nhân viên xuất sắc, ưu tú đi học các chương trình liên quan.
Tôi muốn nói về lifelong learning – học suốt đời. Ở tuổi 28 và 35, sau khoảng 7-8 năm đi làm thì chúng ta bước vào ngưỡng cửa cần phải nâng cấp bản thân. Tôi có anh bạn U60 và mọi người xung quanh anh ấy đa số đều 9x, nghĩa là thế hệ này khoảng 30 năm nữa mới về hưu. Vậy nếu trong 30 năm này anh ấy không học gì, không làm gì thì sẽ bị tụt hậu phía sau. Lần đầu tiên anh bảo tôi, 'anh nghe lời Tiến, bây giờ anh sẽ đi học, anh sẽ học về chat GPT', lần đầu tiên trong đời anh cài vào ipad mạng xã hội Tiktok.
Lãnh đạo dám giao, nhân viên dám nhận
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Mai Thúy Hằng - Phó tổng giám đốc Sun Group cho biết, sau dịch bệnh và những biến cố, người tiêu dùng có yêu cầu khắt khe hơn với các sản phẩm, dịch vụ và chính điều này gây áp lực trở lại với doanh nghiệp. Làm sao để sản phẩm có giá thành hợp lý hơn, khách hàng vui vẻ hơn. Công nghệ là một phần, con người cũng là yếu tố nòng cốt, nhất là với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như Sun Group.
Bởi vậy, bà Hằng cũng đồng tình quan điểm người lao động cần “nâng tầm” bản thân qua việc học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, không chỉ là hướng đến sở thích, khả năng mà còn phải gắn bó mật thiết với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Bà Hằng chia sẻ thêm, ở Sun Group có rất nhiều cơ hội cho người trẻ. “Chúng tôi đang làm việc ở nơi mà lãnh đạo thực sự dám trao việc cho những người chưa từng có kinh nghiệm. Như tôi đến giờ cũng được gọi là lãnh đạo trẻ, và thường xuyên phải nhận những nhiệm vụ chưa từng thực hiện. Nhưng tôi có niềm tin, vì lãnh đạo dám giao thì tại sao tôi không dám nhận. Nếu có thất bại thì lãnh đạo chính là người thất bại trước, và việc của tôi chính là làm hết sức của mình, làm thế nào để không hổ thẹn với cơ hội, với niềm tin mà lãnh đạo giao phó”.
Bà Mai Thúy Hằng - Phó tổng giám đốc Sun Group. |
Bà Hằng đưa thêm lời khuyên rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đừng quên hỏi lãnh đạo, đừng sợ, vì người giao việc chắc chắn là biết khả năng của nhân viên.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý 3/2023, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 6.300 người so với quý trước và tăng 22.100 người so với cùng kỳ năm trước, tương đương con số 1,08 triệu người thất nghiệp. Cũng theo báo cáo này cả nước có hơn 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 12,1% tổng số thanh niên). Như vậy, cứ 100 thanh niên sẽ có 12 người thất nghiệp.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng gia tăng, nhưng trong một số lĩnh vực vẫn “khát” nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao có bằng cấp chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Đơn cử như trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo “Báo cáo Thị trường IT Việt Nam năm 2023” do TopDev vừa phát hành, mặc dù lương trung bình tăng đáng kể đạt mức 32 triệu đồng/tháng nhưng dự đoán từ năm 2023 – 2025, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000 đến 200.000 lập trình viên/kỹ sư hàng năm. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần 700.000 nhân lực trong ngành này.