Ảnh minh họa |
Ở Việt Nam, các tập đoàn và công ty lớn đã bắt đầu chia sẻ về việc áp dụng AI vào hoạt động kinh doanh của họ. Chẳng hạn, FPT - tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam - dù có hơn 60.000 nhân viên, nhưng chỉ cần sử dụng sáu nhân viên kế toán và một người để tổng hợp báo cáo tài chính. Điều này minh chứng rằng việc ứng dụng công nghệ đã giúp giảm bớt gánh nặng công việc cho nhân viên kế toán đáng kể.
Công nghệ Gen AI, còn được biết đến với tên gọi AI tạo sinh, đã xuất hiện gần đây. Nhiều người tự hỏi liệu AI tạo sinh có đáng sợ không, và nó có khả năng thay thế hoàn toàn công việc của các kế toán viên và kiểm toán viên hay không.
Trong Diễn đàn "Đối thoại châu Á – Thái Bình Dương" do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức vào ngày 28-29/5 vừa qua, Bà Helen Brand, Giám đốc điều hành toàn cầu của ACCA khẳng định: “AI không phải là thách thức mà là một cơ hội để giúp kế toán tạo ra nhiều giá trị hơn”.
Bà Helen Brand chia sẻ, theo truyền thống, kế toán viên cần hiểu biết về tài chính, nhưng giờ đây họ đóng vai trò lớn hơn, không chỉ đảm bảo chất lượng chuyên môn mà còn tạo giá trị cho doanh nghiệp và thúc đẩy trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng.
Diễn đàn “Đối thoại châu Á – Thái Bình Dương” do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức ngày 28-29/5/2024 |
Để làm rõ hơn về vấn đề này, ông Pulkit Abrol, Giám đốc ACCA khu vực APAC nhấn mạnh thêm: "Hiện có khoảng 500 tỷ USD đang nằm trong các giá trị dữ liệu (big data) mà chúng ta có thể khai thác. Để quản trị, khai thác và phân tích được dữ liệu đó, vai trò của kế toán viên là vô cùng quan trọng."
Trong lĩnh vực kế toán, AI có thể mang lại rủi ro nhất định, nhưng AI cũng sẽ giúp xử lý các dữ liệu phức tạp trở nên hiệu quả. Trong đó, kế toán viên sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc phân tích và đánh giá dữ liệu, vì họ có khả năng hiểu được những yếu tố nhân văn mà máy móc không thể nắm bắt. Máy tính không thể nhận thức được tính bảo mật và sự nhạy cảm của dữ liệu như con người.
Bà Helend Brand, Giám đốc điều hành toàn cầu Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) |
Giám đốc điều hành toàn cầu ACCA cho biết, vấn đề sai sót có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào. Đối với kiểm toán, người ta thường hình dung khâu này thường xuất hiện ở cuối quy trình kinh doanh, nhưng với ACCA sẽ tạo ra hệ sinh thái, ở đó các kế toán phải tham gia từ đầu và kiểm toán nằm trong hệ sinh thái đó chứ không tách ra riêng biệt.
"Chúng tôi đặc biệt chú ý đến đào tạo về đạo đức cho các kế toán viên và thường xuyên tăng cường nâng cao năng lực và phải được sự kiểm định của cơ quan nhà nước. Đây là cách mà ACCA làm với các thành viên của mình để giảm thiểu tối đa sai sót”, bà Helen Brand khẳng định.
Một vấn đề đáng chú ý khác là báo cáo bền vững, có vẻ như đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp. Dù có nhiều dữ liệu về môi trường và phát thải, việc xác định dữ liệu cần thu thập, phân tích tài liệu để đánh giá ảnh hưởng và soạn thảo báo cáo bền vững cũng là trách nhiệm của kế toán.
Đào tạo nhân sự "bền vững" theo tiêu chuẩn quốc tế
Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050 tại COP26, với yêu cầu báo cáo theo tiêu chuẩn quốc tế, đòi hòi các kế toán viên cần nâng cao kỹ năng chuyên môn để có thể thu thập thông tin, dữ liệu về môi trường, phát triển nguồn vốn xanh, phát triển hạ tầng...
“Trong bối cảnh Việt Nam có định hướng xuất khẩu cao, các công ty có khả năng trình bày những nỗ lực về thực hành ESG là điều cần thiết và là điểm cộng gia tăng cơ hội thành công khi giao dịch với đối tác nước ngoài.”
Chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Federico Fontolan, Giám đốc Phát triển kinh doanh khu vực châu Á CRIF Dun&Bradstreet Việt Nam (CRIF) cho biết: “CRIF là công ty toàn cầu về dữ liệu và giải pháp cho tính bền vững và tuân thủ ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Chúng tôi tập trung hỗ trợ các công ty và tổ chức tài chính thu thập dữ liệu ESG có ý nghĩa cho mục tiêu báo cáo và tuân thủ của họ.
Bên cạnh dữ liệu, CRIF còn cung cấp một nền tảng dễ sử dụng có tên Synesgy, giúp các tổ chức đo lường hiệu suất ESG của danh mục khách hàng và nhà cung cấp, bao gồm cả lượng khí thải nhà kính”.
Việc CRIF hợp tác với ACCA nhằm chia sẻ kiến thức về công cụ Synesgy và tinh chỉnh nền tảng phù hợp với các yêu cầu thu thập dữ liệu khác nhau trong môi trường pháp lý của Việt Nam. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng đáp ứng các yêu cầu về tính bền vững và minh bạch trong kinh doanh.
Sự bền vững là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp đều hướng tới và là cái gốc của sự thành công. Những người làm chuyên ngành kế toán, tài chính phải đi tiên phong vì họ giữ vị trí vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp đó.