Ảnh minh họa: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Bà Kristalina Georgieva dẫn báo cáo mới đây của IMF về chủ đề này cho thấy, ở các nền kinh tế phát triển, AI có thể ảnh hưởng tới 60% việc làm. Một nửa trong số đó có thể được hưởng lợi từ cách AI thúc đẩy năng suất cao hơn, theo France24.
"Còn đối với 30% còn lại, trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện các nhiệm vụ chính hiện do con người thực hiện, dẫn tới có thể làm giảm nhu cầu lao động, lương thấp hơn và giảm tuyển dụng. Trong những trường hợp xấu nhất, một số công việc này có thể sẽ biến mất", bà Georgieva nói.
Tại các thị trường mới nổi và các nước có thu nhập thấp, AI dự kiến tác động tích cực đến 40% công việc và gây rủi ro cho 26% công việc hiện tại. Những người lao động lớn tuổi hơn sẽ có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi những thay đổi mà AI mang lại.
Theo báo cáo của IMF, trí tuệ nhân tạo ban đầu có ít tác động với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, khả năng hưởng lợi từ AI của các thị trường này cũng thấp hơn các nền kinh tế phát triển. Điều này có thể làm gia tăng sự chênh lệch về kỹ thuật số và sự cách biệt về thu nhập giữa các nước.
"Nhiều nước trong số này không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề để khai thác lợi ích của trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, theo thời gian, công nghệ này có thể làm gia tăng trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập," bà Georgieva lưu ý.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI rộng rãi sẽ tạo ra các cơ hội để tăng sản lượng và thu nhập trên toàn thế giới. Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, mặc dù tác động đáng kể đến việc làm, việc áp dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo có thể nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% mỗi năm trong 10 năm tới.
"Trí tuệ nhân tạo sẽ chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu nhưng hãy đảm bảo rằng công nghệ này mang lại lợi ích cho nhân loại. Trong hầu hết các kịch bản, trí tuệ nhân tạo có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng nói chung. Đây là xu hướng đáng lo ngại mà các nhà hoạch định chính sách phải chủ động giải quyết để ngăn chặn công nghệ này gây thêm căng thẳng xã hội", bà Georgieva cho biết.
Để giải quyết những lo ngại này, đại diện IMF cho rằng, điều quan trọng là các nước phải thiết lập lưới an toàn xã hội toàn diện và cung cấp các chương trình đào tạo lại cho những người lao động dễ bị tổn thương.
Cần tập trung hỗ trợ các nước có thu nhập thấp nắm bắt cơ hội mà trí tuệ nhân tạo mang lại. Khi đó, quá trình chuyển tiếp sang trí tuệ nhân tạo trở nên toàn diện hơn, bảo vệ sinh kế và hạn chế bất bình đẳng tốt hơn.
"Mặc dù có rủi ro nhưng công nghệ này sẽ là một cơ hội lớn cho tất cả mọi người", bà Georgieva nhấn mạnh.
Để giúp các nước xây dựng chính sách đúng đắn, IMF đã phát triển bộ "Chỉ số sẵn sàng AI" (AI Preparedness Index) để đo lường mức độ sẵn sàng áp dụng AI trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chính sách vốn con người và thị trường lao động, đổi mới và hội nhập kinh tế cũng như quy định về quản lý và đạo đức.
Kể từ khi ra mắt cuối năm 2022, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu và cũng là nhân tố chính tạo ra cuộc đua mới trong ngành công nghệ. Cuộc khảo sát của Gartner với hơn 2.500 nhà lãnh đạo điều hành trên toàn cầu cho thấy, 45% lãnh đạo công ty công nghệ báo cáo rằng, ChatGPT đã thúc đẩy họ tăng cường đầu tư vào AI.
Ngoài ra, 70% giám đốc điều hành cũng cho biết tổ chức, công ty của họ đang ở chế độ khám phá với AI. Khoảng 19% trong số đó đang ở chế độ thử nghiệm hoặc sản xuất.