Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 sáng 15/3, chia sẻ về xu thế du lịch quốc tế và kinh nghiệm của các nước trong phục hồi du lịch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết:
Về xu thế ngắn hạn, dự báo du lịch quốc tế sẽ phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổ chức du lịch thế giới UNWTO, lượng du khách quốc tế năm 2023 có thể đạt mức 80-90% so với giai đoạn trước dịch; chi tiêu cho du lịch năm 2023 dự báo tăng 20%; thời gian lưu trú cũng dài hơn, ví dụ với du khách Mỹ trung bình là khoảng 14 ngày so với 10 ngày trước đại dịch để tối ưu hoá chi phí đi lại. Đây là các cơ hội tốt để ta tận dụng.
Trong dài hạn, phát triển xanh, số hoá du lịch là xu thế không thể đảo ngược. Tỉ lệ khách có nhu cầu du lịch bền vững luôn ở mức trên 70% và du khách châu Âu sẵn sàng trả thêm chi phí để trải nghiệm du lịch xanh.
Hiện nay, ngày càng nhiều du khách, đặc biệt giới trẻ, tìm hiểu điểm đến, đặt các dịch vụ như phòng nghỉ, đi lại qua mạng internet, do đó cần những trang web đa ngôn ngữ, giới thiệu đồng bộ về các điểm đến của Việt Nam, cung cấp các thông tin và các gói dịch vụ linh hoạt, có thể thay đổi, hoãn, huỷ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng cho biết thêm, các nước trên thế giới đều xác định du lịch là mũi nhọn và đều có nhu cầu phục hồi sau đại dịch, do đó tính cạnh tranh trong thu hút du lịch rất cao. Thời gian qua, các nước đã ban hành nhiều kế hoạch phục hồi du lịch, thu hút du khách quốc tế.
Ví dụ, Arab Saudi triển khai chương trình "Saudi Seasons" với 11 sự kiện lớn tổ chức trong 1 năm; Singapore, Indonesia, UAE cấp thị thực lưu trú dài hạn, Thái Lan cấp thị thực lên tới 10 năm, để thu hút tầng lớp người giàu, người nghỉ hưu, các chuyên gia và gia đình đến đầu tư và định cư. Indonesia, Singapore, Thái Lan tập trung quảng bá, đẩy mạnh thu hút khách du lịch đến từ ASEAN, Ấn Độ.
Tây Ban Nha, Na Uy, Đức ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính như miễn thuế, hoàn thuế, giảm thuế VAT, giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch, lữ hành; tập trung nâng cấp hạ tầng như sân bay, cảng biển, khách sạn để phát triển du lịch bền vững.
Hy Lạp, Israel có chính sách hỗ trợ thu nhập và đào tạo nhân lực ngành du lịch. Hàn Quốc, Bahrain đẩy mạnh hợp tác công tư trong tiếp thị, phát triển các sản phẩm du lịch.
Từ các xu hướng, kinh nghiệm của các nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế tháng 12, Bộ Ngoại giao đưa ra các đề xuất nhằm thúc đẩy du lịch quốc tế, nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao gồm:
Tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và các bộ, ngành liên quan về thông tin các thị trường khách du lịch, xu thế phát triển của du lịch và kinh nghiệm của các nước.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ VHTT&DL, các địa phương, doanh nghiệp xúc tiến du lịch theo thị trường, khu vực và đa dạng hoá thị trường.
Đẩy mạnh kết nối, thu hút nguồn ngoại lực của các nước và tổ chức quốc tế để nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số; phát triển các sản phẩm du lịch mới có giá trị gia tăng cao (như du lịch Halal, du lịch sinh thái, du lịch du thuyền).
Về tạo thuận lợi cho du khách nhập cảnh, Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng diện áp dụng của chính sách miễn thị thực đơn phương trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ đang đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam như các nước Mỹ La-tinh, Qatar, Kazakhstan, Mông Cổ, Malpes...
Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu biện pháp tạo thuận lợi cho du khách nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, cần nghiên cứu các biện pháp tạo thuận lợi cho khách có nhu cầu xin thị thực truyền thống, không yêu cầu phải có cơ quan, tổ chức tại Việt Nam bảo lãnh đối với các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày (tương tự như nguyên tắc cấp e-visa).