Nông dân thu hoạch bí ngòi tại tại Valatie, New York. Ảnh: AP |
Khoản đầu tư này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi nông dân nước này đi đầu trong cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải từ ngành nông nghiệp vào năm 2030. Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, ngành nông nghiệp của quốc gia này chiếm hơn 10% tổng lượng khí thải ra môi trường.
Dưới khoản đầu tư này, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết các tổ chức cả công và tư nhân đều có thể xin trợ cấp các khoản dao động từ 5 triệu USD tới 100 triệu USD. Các tổ chức này có thể bao gồm chính quyền từng bang, địa phương và bộ tộc cũng như các trường đại học và các tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp nhỏ.
Chương trình này của Bộ Nông nghiệp sẽ chủ yếu tập trung vào thúc đẩy và thực hiện các dự án bảo tồn thân thiện với khí hậu. Ví dụ, các biện pháp này có thể bao gồm việc không cày xới, che phủ cây trồng và chăn thả luân phiên. Ngoài ra, các biện pháp khác nhằm đo lường và giám sát phát thải khí nhà kính từ các hoạt động nông nghiệp cũng như thu giữ và lưu trữ carbon cũng có thể là các phương pháp đóng vai trò quan trọng.
Toàn bộ quá trình này là nhằm tạo ra một thị trường nội địa với các nguồn lực có thể giúp ngành nông nghiệp và ngành lâm nghiệp Mỹ làm những gì tốt nhất trong khả năng của mình. Cụ thể, điều đó chính là cung cấp lương thực cho thế giới trong khi vẫn quản lý được tài nguyên đất và nước.
Ông Vilsack chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng khuyến khích việc sáng tạo ra hàng hóa thông minh với khí hậu. Các mặt hàng này sẽ có giá trị cao hơn trên thị trường và sẽ giúp nông dân tạo thêm lợi nhuận”. Theo định nghĩa của USDA, hàng hóa thông minh với khí hậu là các mặt hàng nông nghiệp được sản xuất bằng cách sử dụng các hoạt động canh tác nhằm giảm lượng khí thải hoặc giúp lưu trữ carbon.
Chương trình Đối tác Hàng hóa Thông minh với Khí hậu sẽ lấy nguồn vốn từ Tổng công ty Tín dụng Hàng hóa của USDA. Thông qua công ty này, USDA có thể nhận được các khoản tài trợ hàng năm lên tới 30 tỷ USD từ Bộ Tài chính Mỹ để hỗ trợ thu nhập của nông dân.
Trong một bài phát biểu tại Đại học Lincoln vào 7/2, ông Vilsack chia sẻ những người nông dân Mỹ đã chứng kiến biến đổi khí hậu, cảm nhận được nó và bị ảnh hưởng bởi nó. Do đó, đối với nhiều nông dân phải chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt, bão và hạn hán ngày càng nghiêm trọng, giải quyết biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề sống còn. Hội đồng Khoa học về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc cũng đã cảnh báo rằng con người phải thay đổi cách sản xuất lương thực và sử dụng đất để tránh những hậu quả tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
Một số nông dân, chủ trang trại và người làm rừng đã áp dụng các biện pháp thu giữ và lưu trữ carbon trong đất thân thiện với môi trường và khí hậu. Tuy nhiên, những người khác lại có thái độ cảnh giác với mức chi phí trả trước của các biện pháp này. Hơn nữa, lợi nhuận thu lại được cũng có thể sẽ khác nhau đối với các địa điểm và các hoạt động canh tác khác nhau.