Ngày 9/1, khi được RIA Novosti đặt câu hỏi liệu Mỹ sáp nhập đảo Greenland có gây ra “mối đe dọa quân sự” đối với Nga hay không, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Andrey Kartapolov trả lời: “Rõ ràng là vậy”.
Ông cho biết: “Greenland chiếm một diện tích rất lớn ở Bắc Cực và có thể tiếp cận trực tiếp đến Bắc Cực. Vì vậy đối với chúng tôi, đây không phải là lựa chọn tốt nhất”. Nghị sĩ này cũng lập luận rằng Greenland có thể đóng vai trò là “bàn đạp tốt cho Mỹ trong một cuộc đụng độ liên lục địa giả định trong tương lai”.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga Andrey Kartapolov. Ảnh: Sputnik |
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng Bắc Cực nằm trong phạm vi lợi ích quốc gia và chiến lược của Nga. “Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục hiện diện tại vùng lãnh thổ Bắc Cực. Nga quan tâm đến việc duy trì bầu không khí hòa bình và ổn định trong khu vực và sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới để đảm bảo nền hòa bình và ổn định này,” ông Peskov nhấn mạnh.
Tuyên bố từ giới chức Nga được đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump – người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới – công khai ủng hộ ý tưởng đưa Greenland (một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch) trở thành một phần của Mỹ vì “mục đích an ninh quốc gia”.
Cuối tháng trước, lãnh đạo Greenland là ông Mute Egede nhấn mạnh rằng hòn đảo này không phải để bán và không muốn tham gia vào cuộc chiến chính trị giữa Mỹ và Đan Mạch. “Greenland thuộc về người dân Greenland. Tương lai và cuộc đấu tranh giành độc lập của chúng tôi là công việc của chúng tôi,” ông Egede nói.
Đảo Greenland. Ảnh: RT |
Giới chức Đan Mạch cũng bác bỏ khả năng bán hòn đảo này. “Greenland không phải để bán và cũng sẽ không được bán trong tương lai,” Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 7/1. Bà cho biết Mỹ là “đồng minh quan trọng nhất và thân cận nhất” của Đan Mạch và bà không tin rằng Washington sẽ sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để đảm bảo quyền kiểm soát Greenland.
Bà cũng hoan nghênh Mỹ quan tâm nhiều hơn tới khu vực Bắc Cực, tuy nhiên bà nhấn mạnh rằng điều này “phải được thực hiện theo cách tôn trọng người dân Greenland” và theo cách “cho phép Đan Mạch và Mỹ vẫn hợp tác trong NATO cũng như các phương diện khác”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã ám chỉ rằng nước này muốn thảo luận vấn đề này nhiều hơn với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Trump. “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với người Mỹ về cách chúng tôi có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo rằng các tham vọng của Mỹ được thực hiện,” ông Rasmussen nói với các phóng viên.
Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, được Đan Mạch trao quyền tự chủ vào năm 1979. Greenland cũng là nơi có căn cứ quân sự Pituffik của Mỹ và cơ sở hạ tầng của NATO. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã nhiều lần đề xuất ý tưởng mua lại Greenland. Ông đã nghiêm túc bình luận về viễn cảnh này và cho rằng chính phủ Đan Mạch cũng muốn bán đi “bất động sản đáng giá” này với Mỹ để giảm gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, tuyên bố này đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Copenhagen.
Ông Donald Trump không loại trừ sử dụng vũ lực kiểm soát Greenland và Kênh đào Panama Khi được hỏi liệu ông có loại trừ khả năng sử dụng quân đội để giành quyền kiểm soát kênh đào Panama và Greenland hay không, Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump nói với các phóng viên ngày 7/1: "Tôi sẽ không cam kết điều đó". |
Ngoại trưởng Mỹ bình luận về ý định mua đảo Greenland của ông Trump Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ý tưởng mua đảo Greenland của Tổng thống đắc cử Donald Trump là ý tưởng không hay và sẽ không bao giờ có thể xảy ra. |