Bộ trưởng Công Thương: Đẩy nhanh tốc độ quy hoạch làm cơ sở thu hút đầu tư

xuất nhập khẩu SẢN XUẤT
17:16 - 18/04/2023
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Bộ Công Thương. Ảnh: Bộ Công Thương
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Bộ Công Thương. Ảnh: Bộ Công Thương
0:00 / 0:00
0:00

Trước tình trạng sản xuất và xuất khẩu suy giảm khi thị trường bị thu hẹp, nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, ngày 18/4, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Khối Công Thương địa phương.

Những tồn tại trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hiện nay

Trong 3 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế thế giới như suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo những khó khăn chủ yếu như nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận, thị trường đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, số doanh nghiệp giải thể tăng; các dự án điện gặp khó khăn.

Đồng thời, các địa phương kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thông tin thị trường hàng hóa xuất khẩu, xúc tiến thương mại, có giải pháp cho vấn đề vốn sản xuất và lãi suất ngân hàng, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hướng tới giá đầu vào sản xuất nên các doanh nghiệp của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.

Trước việc một số thị trường truyền thống bị ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ giảm, lãnh đạo tỉnh Cần Thơ kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ thành phố Cần Thơ và các địa phương mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng phát triển thị trường nhất là các thị trường có FTA với Việt Nam.

Các địa phương tham dự bằng hình thức trực tuyến tại các điểm cầu. Ảnh: Bộ Công Thương

Các địa phương tham dự bằng hình thức trực tuyến tại các điểm cầu. Ảnh: Bộ Công Thương

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết hiện nay, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc do văn bản pháp luật, hướng dẫn còn chồng chéo. Cụ thể, theo ông Quyền, việc phát triển các cụm công nghiệp, dù có hướng dẫn song thực hiện còn nhiều vướng mắc và đi theo 2 hệ thống pháp luật khác nhau, gây khó khăn khi các ngành phải lấy ý kiến của nhau.

Vì vậy, thành phố kiến nghị cần quy về một đầu mối Bộ Công Thương để thống nhất việc lựa chọn đầu tư.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, khu vực Công Thương địa phương vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, mức tăng trưởng các chỉ tiêu ngành Công Thương thấp hơn so với kế hoạch và cùng kỳ; nhiều địa phương tăng trưởng thấp (thậm chí tăng trưởng âm) do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm khó khăn. Ít dự án đầu tư mới được triển khai; các dự án chuyển tiếp thì chậm tiến độ…

Nguyên nhân của việc này có thể kể đến cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do giá nguyên liệu đầu vào, năng lượng ở mức cao, tác động đến chi phí sản xuất, kinh doanh trong nước.

Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác sau mở cửa ngày một gay gắt hơn.

Một số nguyên nhân chủ quan được chỉ ra là việc chậm công bố quy hoạch dẫn đến việc không thể triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực công thương. Sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong các quy định của pháp luật hiện hành làm chậm tiến độ nhiều dự án.

Bộ trưởng công thương nhấn mạnh, “có thể khẳng định chậm công bố quy hoạch là một cản trở lớn cho việc triển khai các dự án đầu tư và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng”.

Tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp không đúng và thị trường bất động sản trầm lắng; hầu hết dự án đầu tư công chậm tiến độ.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường để mở rộng xuất khẩu

Tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của không ít doanh nghiệp, như địa phương có vùng trồng, vùng nuôi thấp, chất lượng sản phẩm không đều, gây khó khăn cho xuất khẩu chính ngạch.

Dẫn ví dụ từ việc đầu ra mặt hàng nông thủy sản khó khăn thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng nếu không đạt được tiêu chuẩn thị trường thì rất khó để tăng trưởng xuất khẩu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, dù Việt Nam đã ký kết, 17 FTA, với gần 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và gần 6 tỷ người tiêu dùng và nhiều ưu đãi về thuế quan, nhưng nếu doanh nghiệp không thể sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng theo đúng tiêu chuẩn thì khó có thể khai thác được thị trường.

Bộ trưởng Công Thương cho rằng nếu không đạt được tiêu chuẩn thị trường thì rất khó để tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ trưởng Công Thương cho rằng nếu không đạt được tiêu chuẩn thị trường thì rất khó để tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương

Mới đây, thị trường Trung Quốc đã thắt chặt các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy, dù thị trường có nhu cầu rất lớn với nông sản, trái cây, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn không dễ khai thác vì sản phẩm không đạt yêu cầu, chất lượng hàng hóa không ổn định.

Mặt khác thói quen tiêu thụ qua tiểu ngạch để thay đổi vô cùng khó, trong khi Trung Quốc hiện đã là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), do đó phía bạn cũng đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm rất cao, buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường.

Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu phát triển năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành Quốc gia.

Đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh, thành phố làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai các dự án lớn, nhỏ trên địa bàn.

Tập trung rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, dự án trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp, dự án lớn. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách địa phương và đề xuất Trung ương ban hành cơ chế, chính sách Quốc gia để gỡ khó cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư, nhất là vốn dân doanh.

Các địa phương chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản, đầu tư công trên địa bàn, tạo động lực, dư địa để các ngành, lĩnh vực liên quan phát triển (vật liệu, cơ khí, chế tạo, thương mại, dịch vụ…).

Đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Đề án xuất khẩu chính để khai mở rộng và tận dụng các thị trường cho hàng hóa của địa phương, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản.

Nhìn chung, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp quý 1 năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 vẫn duy trì xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.