Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Tại phiên chất vấn sáng 21/8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm rõ các giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu cụ thể những giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sở hữu độc quyền, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam.
Cùng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) nêu rõ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản chủ lực nhằm tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần ổn định hoạt động xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cho biết trong thời gian tới sẽ có giải pháp như nào để bảo đảm giá trị thương hiệu hạt điều, sầu riêng cũng như bảo vệ được quyền lợi và cải thiện đời sống của người dân.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Hùng Thắng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài. Yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như Việt Nam.
Về các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương liên tục có những nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản. Trong đó, chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. “Chúng ta không thể nói về tiêu thụ nếu hàng hóa của chúng ta không chuẩn được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi… Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta,” Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt.
Bên cạnh đó, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ. Đến nay, Việt Nam đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP. Nếu thực hiện tốt việc này sẽ giải tỏa được áp lực thị trường, đồng thời tạo ra sinh kế, việc làm cho bà con nông dân.
Đối với vấn đề nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đang trong quá trình nghiên cứu sâu vì nếu có thương hiệu sẽ tạo được giá trị gia tăng rất lớn, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định. Vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu. Trong đó nhãn hiệu xây dựng và bảo hộ dễ hơn, nhưng thương hiệu là niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng, tiêu chuẩn đối với sản phẩm. Do đó, Bộ NN&PTNT đang cùng với Bộ Công Thương phối hợp xây dựng thương hiệu của nông sản.
“Muốn vậy chúng ta phải có vùng nguyên liệu tập trung để có những sản phẩm đồng đều, quy chuẩn hóa các nông sản chủ lực, xây dựng thiết chế bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 đoàn đại biểu Quốc hội. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập đến giải pháp trồng điều trong thời gian tới, cần phải ứng biến theo quy luật thị trường. Bộ NN&PTNT đã tổ chức mô hình khuyến nông, trong đó cây điều có đa tầng giá trị. Đánh giá Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước chế biến điều rất đa dạng, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bình Phước cần đẩy mạnh sản phẩm OCOP về điều, đồng thời xây dựng chuỗi chia sẻ, liên kết giữa người trồng điều và doanh nghiệp chế biến điều.
Liên quan đến sầu riêng, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, thời gian tới Bình Phước sẽ tái cơ cấu lại ngành hàng sầu riêng. “Không còn con đường nào khác, muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng thì phải có hiệp hội ngành hàng, trong đó có sự liên kết của các doanh nghiệp, các nhà vựa với bà con nông dân trồng sầu riêng để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu,” Bộ trưởng nói.
Việt Nam vừa ký hiệp định thư thứ hai về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, đây là niềm vui nhưng cũng đòi hỏi yêu cầu lớn hơn. Ông cho rằng cần phải đưa sầu riêng trở thành sản phẩm quốc gia, và muốn vậy phải có thiết chế quốc gia để điều chỉnh, có chính sách chung về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng…