Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AP |
“Nếu tôi là Nga, chắc chắn là tôi sẽ không muốn Ukraine trở thành thành viên của NATO. Tôi cũng không muốn Phần Lan và Thụy Điển trở thành một phần của NATO,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 9/4, theo Sputnik.
Ông Austin cho rằng việc NATO mở rộng trong những năm qua đã gây ra “những điều kiện tồi tệ hơn” đối với Nga. Trong tuyên bố cùng ngày sau đó, ông Austin thông tin thêm rằng, vào Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington vào tháng 7 tới, khối quân sự này sẽ tiết lộ vai trò trong việc hỗ trợ Ukraine lâu dài.
Nga chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 4/4 khẳng định Ukraine sẽ được gia nhập NATO, vì Kiev vẫn đang nhận được sự ủng hộ “vững chắc” từ các thành viên khác trong liên minh.
Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định các thành viên khác trong NATO có quyết tâm vững chắc trong việc ủng hộ Ukraine. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể. Các đồng minh sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Ukraine có mọi thứ cần thiết để tiếp tục đối đầu Nga trong cuộc chiến,” ông Blinken nhấn mạnh.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: TASS |
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 9/4 tuyên bố: "Việc Ukraine gia nhập NATO là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi trong bất kỳ trường hợp nào. Đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga".
Ông Antonov cũng cáo buộc Washington phớt lờ các lợi ích cốt lõi của Moscow và từ chối chấp nhận “sự phản đối rõ ràng” của Nga đối với tư cách thành viên NATO tiềm năng của Kiev.
Ukraine đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi cuối tháng 9/2022. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần bày tỏ hy vọng nước này có thể được gia nhập khối quân sự khi cuộc chiến kết thúc, đồng thời kêu gọi khối quân sự này cần đẩy nhanh quy trình xét duyệt và phê chuẩn.
Tuy nhiên, vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine đã gây ra tranh luận, khi một số lãnh đạo lo ngại kịch bản xung đột trực tiếp với Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về phía đông sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia Nga và việc chuyển lực lượng của khối này vào Ukraine sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ".
Từ trước khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Moscow đã nhiều lần yêu cầu phương Tây phải đảm bảo sự ràng buộc về mặt pháp lý để Kiev không bao giờ được gia nhập vào khối quân sự này. Đồng thời Nga muốn Ukraine cam kết trung lập, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự do việc NATO mở rộng về phía biên giới của Nga được nước này coi như một mối đe dọa tới an ninh quốc gia.
Đầu tháng này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mối quan hệ giữa NATO và Nga đã xấu đi rất nhiều trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đang khiến liên minh này trở nên “đối đầu trực tiếp” với Moscow.