Bộ trưởng Tư pháp: Sẽ bổ sung chế tài đối với người bỏ cọc đấu giá

Tư pháp QUỐC HỘI
15:40 - 28/11/2023
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long - Ảnh:quochoi.vn
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long - Ảnh:quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Về chế tài đối với người bỏ cọc trong hoạt động đấu giá tài sản, Bộ trưởng Tư pháp cho biết sẽ nghiên cứu theo hướng "làm sâu sắc hơn nữa", bổ sung chế tài với quan điểm pháp luật quy định càng chặt càng tốt.

Giải trình sau thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, ngày 28/11, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, theo tổng kết, đánh giá của Chính phủ, 5 năm qua đã có khoảng 200.000 cuộc đấu giá, trên 90% là tài sản công, chủ yếu là quyền sử dụng đất. Số tiền chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành thu cho Nhà nước, thu cho tổ chức, thu cho cá nhân là 110.000 tỷ đồng.

Giải pháp để ngăn chặn, hạn chế thông đồng, dìm giá, hay tình trạng "quân xanh", "quân đỏ" là các thủ tục đang được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, kéo dài thời hạn nếu cần thiết, đồng thời quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, xét duyệt…

Theo Bộ trưởng, Luật Đấu giá tài sản không thể điều chỉnh toàn bộ các quy trình liên quan đến một tài sản, kể cả điều kiện đưa ra để bán đấu giá cho đến sau này bán đấu giá thành công thì xử lý theo quy định nào, đặc biệt trong trường hợp xác định giá khởi điểm cũng phải tuân theo pháp luật chuyên ngành.

Về chế tài đối với người bỏ cọc đấu giá, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết sẽ tính đến những vi phạm về mặt tài chính có quy định thêm về cấm tham gia đấu giá, hoặc siết chặt hơn các điều kiện trong quy định của pháp luật chuyên ngành.

"Vừa rồi có vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, vụ cát ở An Giang và Hà Nội, hay lô xe máy xử phạt vi phạm hành chính ở Hà Tĩnh, Ban soạn thảo xin phép được tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt xem xét có thể bổ sung các chế tài. Theo quan điểm của chúng tôi, pháp luật quy định càng chặt càng tốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đảm bảo quy định pháp luật được thực hiện một cách chặt chẽ, theo Bộ trưởng, trên thực tế có rất nhiều yếu tố liên quan. Trong đó có quy định của pháp luật, đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề… mới có thể đảm bảo được quy định pháp luật trên thực tế.

Cùng với đó, Bộ trưởng Tư pháp cũng cho biết, đang cố gắng để nâng tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề và của các đấu giá viên. Về tổng thể khi rà soát xem xét các đạo luật liên quan đến hoạt động của các nghề tư pháp, luật sư, công chứng, giám định… sẽ cố gắng xây dựng thành một khối thống nhất.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.