Hệ thống quang điện mặt trời mái nhà trên mái nhà máy Bosch Việt Nam tại Đồng Nai |
Việc lắp đặt thành công hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời tại nhà máy Bosch Việt Nam sẽ tạo ra khoảng 2.300 MWh năng lượng sạch hàng năm và giảm 1.630 tấn khí thải CO2. Mức giảm này tương đương với khoảng 30.000 cây xanh được gieo trồng hàng năm.
Lễ khánh thành hệ thống quang điện mặt trời mái nhà tại nhà máy Bosch Việt Nam tại Đồng Nai. Ảnh: Bosch Việt Nam |
Phát biểu tại buổi khai trương, ông Andreas Abbing, Phó Chủ tịch, Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Bosch Việt Nam cho biết: “Tại Bosch, chúng tôi tin rằng các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường là nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp. Tinh thần và tư tưởng này đã thấm nhuần trong mọi hành động hằng ngày của nhân viên và toàn thể công ty.
Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu và tối ưu hóa lượng điện tiêu thụ trong quy trình sản xuất tại nhà máy, nỗ lực đạt mức trung hòa CO2 hiệu quả với các giải pháp sáng tạo khác nhau. Hệ thống quang điện mặt trời là một dự án nổi bật, minh chứng cho cam kết của Bosch Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng bền vững, góp phần cải thiện môi trường”.
Trong nỗ lực thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường tại Nhà máy Bosch Việt Nam, tập đoàn đã rót một khoản đầu tư trị giá 900.000 euro (tương đương 1 triệu USD) để xây dựng hệ thống tái chế nước thải tại nhà máy. Kết quả cho thấy, kể từ năm 2020, 65% tổng lượng nước tiêu thụ tại nhà máy đã được xử lý và tái sử dụng, góp phần tiết kiệm tài nguyên.
Bên cạnh đó, công ty đã khởi xướng nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường khác nhau trên khắp các chi nhánh và công ty con của Bosch tại Việt Nam, như chương trình trồng cây hàng năm, các chiến dịch nội bộ "Reuse-Reduce-Recycle" (Tái sử dụng - Giảm thiểu - Tái chế), thúc đẩy bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Hơn thế, Bosch Việt Nam còn thể hiện sự tích cực trong tham gia các sáng kiến xã hội và dự án cộng đồng, như chương trình đào tạo nghề và các chương trình hỗ trợ xã hội khác, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, cũng như chất lượng cuộc sống tại khu vực.
Tất cả các hoạt động trên nằm trong định hướng chiến lược của tập đoàn. Từ năm 2020, Tập đoàn Bosch với hơn 400 chi nhánh và công ty con trên toàn cầu đã đạt được mục tiêu trung hòa carbon (bao gồm phạm vi 1 và 2). Điều này được thực hiện thông qua bốn nguyên tắc chính gồm: tăng cường tính hiệu quả của năng lượng được sử dụng, tự sản xuất năng lượng tái tạo, mua điện từ nguồn tái tạo, và cuối cùng sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ lượng khí thải CO₂ còn lại.
Trong năm 2022, 0.7 triệu tấn khí thải CO₂ đã được bù trừ bằng tín chỉ carbon. Việc phân loại phạm vi 1, 2 và 3 được thực hiện theo Báo cáo tiêu chuẩn khí nhà kính đối với hoạt động của doanh nghiệp
Bosch thành lập văn phòng đại diện đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1994. Từ năm 2007 đến nay, Công ty TNHH Bosch Việt Nam đã mở rộng hoạt động kinh doanh với các văn phòng tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, cùng nhà máy hệ thống truyền động ở tỉnh Đồng Nai sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT) trong ô tô.
Ngoài ra, Bosch cũng vận hành Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch (Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies) và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ ô tô tại TP HCM.
Hiện, các lĩnh vực chính của Bosch Việt Nam gồm sản xuất kinh doanh linh kiện và thiết bị ô tô, công nghệ xe máy và xe mô tô, công nghệ truyền động và điều khiển, dụng cụ điện cầm tay và công nghệ toà nhà. Tính đến tháng 5/2022, Bosch đã tuyển dụng khoảng 5,800 cộng sự tại Việt Nam.
Tập đoàn Bosch là nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ hàng đầu trên thế giới với khoảng 421.000 nhân viên trên toàn cầu (tính đến 31/12/2022). Tập đoàn Bosch bao gồm Robert Bosch GmbH và khoảng 470 chi nhánh và công ty con ở 60 quốc gia. Mạng lưới sản xuất, kỹ thuật và bán hàng toàn cầu của Bosch có mặt tại hầu hết mọi quốc gia trên thế giới bao gồm các đối tác kinh doanh và dịch vụ.
Năm 2022, doanh thu của Tập đoàn đạt 88,2 tỷ euro. Hoạt động của Bosch được chia thành bốn lĩnh vực kinh doanh: Giải pháp Di chuyển, Công nghệ trong Công nghiệp, Hàng tiêu dùng, Công nghệ Năng lượng và Xây dựng.