Bức tranh chuyển đổi xanh của ASEAN

Bức tranh chuyển đổi xanh của ASEAN

NĂNG LƯỢNG asean
11:00 - 10/02/2024
Trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng khí hậu toàn cầu, ASEAN đứng trước bài toán vừa nắm bắt thời cơ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và vạch ra lộ trình tăng trưởng xanh, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tính tới năm 2050, sự mở rộng về kinh tế và nhân khẩu học tại khu vực ASEAN sẽ khiến nhu cầu năng lượng tăng khoảng 2,5 lần so với hiện nay, kéo theo lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng sẽ tăng gấp đôi.

Là nơi sinh sống của 650 triệu người và đồng thời là khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, nhu cầu năng lượng của Đông Nam Á trên thực tế vẫn luôn tăng trung bình khoảng 3% mỗi năm.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm lượng phát thải và đề ra các mục tiêu phi carbon hóa, có tới 9/10 quốc gia thành viên ASEAN đưa ra cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050 trong khuôn khổ hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh) năm 2021. Trong đó, việc đạt được các mục tiêu này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chuyển đổi thành công sang các nguồn năng lượng tái tạo

Để đạt được các mục tiêu này, khối ASEAN nói chung và các nước thành viên nói riêng đều đang triển khai những cách tiếp cận khác nhau.

Ngay từ Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) lần thứ 38 được tổ chức trực tuyến vào ngày 19/11/2020 do Việt Nam đăng cai, các thành viên đã thông qua Kế hoạch Hành động ASEAN vì Hợp tác Năng lượng (APAEC) giai đoạn II 2021-2025.

Được xây dựng dựa trên thành công của APAEC Giai đoạn I 2016-2020, Giai đoạn II đặt ra các mục tiêu và sáng kiến đầy tham vọng nhằm tăng cường an ninh năng lượng và tính bền vững. Một trong số đó bao gồm việc đạt được 23% thị phần năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp năng lượng vào năm 2025.

Tới Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và 43 tổ chức tại Indonesia trong năm 2023, các thành viên ASEAN cũng đã thông qua một số tuyên bố về chuyển đổi xanh, trong đó bao gồm Tuyên bố chung về Phát triển Hệ sinh thái Xe điện trong khu vực với các đối tác của khối, Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon cũng như thông qua Khung Kinh tế Biển Xanh ASEAN để nâng cao nỗ lực hợp tác của các thành viên về nền kinh tế xanh theo cách tiếp cận tích hợp, liên ngành và liên bên.

Trang trại điện mặt trời nổi Cirata tại Hồ chứa Cirata ở Tây Java, Indonesia. Ảnh: PowerChina
Trang trại điện mặt trời nổi Cirata tại Hồ chứa Cirata ở Tây Java, Indonesia. Ảnh: PowerChina

Về phía các quốc gia cụ thể, Indonesia với tư cách là quốc gia tiêu thụ năng lượng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á đã có những nỗ lực tích cực nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh.

Indonesia là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) để thay thế than bằng năng lượng tái tạo. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022 tại Bali, Indonesia đã đưa ra cam kết ngừng hoạt động các nhà máy điện đốt than có công suất 10,1 GW vào năm 2030 trong khuôn khổ JETP thông qua 20 tỷ USD nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế.

Là một phần nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ này, Indonesia đã ban hành Kế hoạch Chính sách và Đầu tư Toàn diện (CIPP), trong đó nêu chi tiết lộ trình đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030 và cuối cùng là mức 0 vào năm 2050.

Theo kịch bản được mô hình hóa trong CIPP, năng lượng mặt trời dự kiến sẽ là nguồn điện tái tạo chủ yếu ở Indonesia và sẽ cần đạt mức tăng trưởng nhanh chóng 8% vào năm 2030 từ ngưỡng chỉ 0,1% trong năm 2022. Địa nhiệt, thủy điện và năng lượng sinh học cũng cần tăng trưởng nhanh để có thể đạt được mục tiêu điện năng được tạo ra từ tất cả các dạng năng lượng tái tạo tăng từ 13% vào năm 2022 lên 44% vào năm 2030.

Ngày 1/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28, cùng với nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italy, Canada, Đan Mạch và Na Uy (IPG).

Tuyên bố JETP đã được Việt Nam và các thành viên IPG thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ tháng 12/2022. Các đối tác cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tích cực triển khai định hướng của Đảng đối với mục tiêu “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường" thông qua việc triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn. Ngày 11/9/2023 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp về việc xây dựng Dự thảo ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035.

Với mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Kế hoạch hành động sẽ tập trung thực hiện các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo; kéo dài vòng đời sản phẩm được hình thành từ nhựa; giảm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân đầu theo các năm; đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững; đóng góp vào thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, mục tiêu quan trọng đã được đề ra trong các Văn kiện của Đảng; chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Chiếc turbin điện gió đầu tiên tại Khu Công nghiệp DEEP C, Hải Phòng. Ảnh: DEEP C

Chiếc turbin điện gió đầu tiên tại Khu Công nghiệp DEEP C, Hải Phòng. Ảnh: DEEP C

Đối với Malaysia, Chính sách Năng lượng Quốc gia giai đoạn 2022 - 2040 coi năng lượng là yếu tố then chốt trong chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước. Chính sách này được chính phủ Malaysia công bố vào tháng 9/2022 và đề ra Mục tiêu Carbon thấp Quốc gia năm 2040, nhằm đạt được mức năng lượng tái tạo cao hơn trong tổng công suất lắp đặt và tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp trong khi không xây dựng thêm nhà máy điện than mới.

Ngoài các chính sách trên, Malaysia cũng ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững. Từ năm 2015, quốc gia này đưa ra Kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng quốc gia nhằm mục đích giảm 8% nhu cầu năng lượng so với mức cơ bản bằng các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, khung thể chế, phát triển năng lực về hiệu quả năng lượng.

Từ năm 2020, Chính sách Ô tô Quốc gia nhằm mục đích phát triển bền vững ngành công nghiệp ô tô cũng đã được Malaysia công bố, trong khi chính sách Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NCD) tiếp tục được đưa ra năm 2021 nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong GDP xuống 45% vào năm 2030 so với năm 2005.

Nhằm vạch ra lộ trình rõ ràng trong việc chuyển đổi năng lượng của quốc gia và đáp ứng các cam kết trước quốc tế, chính phủ Philippines đã công bố Chương trình Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREP) 2020-2040. Chương trình này đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu phát điện lên 35% vào năm 2030 và 50% vào năm 2040.

Chính phủ nước này cũng công bố nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh ngành năng lượng khác, trong đó bao gồm Tiêu chuẩn Danh mục Năng lượng Tái tạo (RPS) và Chương trình Lựa chọn Năng lượng Xanh (GEOP).

Cụ thể, RPS sẽ yêu cầu các nhà cung cấp điện phải cung cấp một tỷ lệ phần trăm năng lượng nhất định từ các nguồn tái tạo. Chính sách này khuyến khích các nhà sản xuất điện đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo. Trong khi đó, GEOP cho phép người tiêu dùng, bao gồm cả khách hàng là người dân và doanh nghiệp, chọn các nguồn năng lượng tái tạo làm nguồn cung cấp điện cho mình. Sáng kiến này trao quyền cho các cá nhân và doanh nghiệp để đưa ra những lựa chọn thân thiện với môi trường hơn.

Quang cảnh từ trên cao của một trang trại năng lượng mặt trời ở Selangor, Malaysia. Ảnh: Shutterstock

Quang cảnh từ trên cao của một trang trại năng lượng mặt trời ở Selangor, Malaysia. Ảnh: Shutterstock

Từ năm 2021, Thái Lan đã công bố mục tiêu trong trong Kế hoạch Năng lượng Quốc gia (NEP) là đạt được 50% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện. Động thái này diễn ra sau những cam kết của Thái Lan tại Hội nghị COP26 ở Glasgow trong cùng năm về việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2065.

Tính đến hết 2023, NEP đã đưa ra hướng dẫn cho 5 kế hoạch hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh bao gồm: Kế hoạch Phát triển Điện lực Thái Lan (PDP), Kế hoạch Phát triển Năng lượng Tái tạo và Thay thế (AEDP), Kế hoạch Sử dụng Năng lượng Hiệu quả (EEP), Kế hoạch Quản lý Khí đốt Tự nhiên (Kế hoạch khí đốt) và Kế hoạch Quản lý Nhiên liệu (Kế hoạch Dầu mỏ).

Ngoài ra, NEP cũng xác định 4 mục tiêu hoạt động nhằm thúc đẩy nhiều năng lượng tái tạo hơn. Đối với mục tiêu về điện, Thái Lan đặt ra kỳ vọng nâng sản lượng điện mới sản xuất từ năng lượng tái tạo lên ít nhất 50% phù hợp với xu hướng giảm chi phí, có tính đến chi phí hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) cũng như chi phí cung cấp điện dài hạn.

Mục tiêu khí đốt tự nhiên tập trung vào tự do hóa và mua sắm để củng cố hệ thống năng lượng quốc gia và nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thúc đẩy Thái Lan trở thành trung tâm LNG của khu vực. Mục tiêu nhiên liệu yêu cầu Thái Lan phải điều chỉnh quy hoạch năng lượng giao thông và xem xét quản lý chuyển đổi để tạo sự cân bằng giữa người sử dụng nhiên liệu sinh học và xe điện. Mục tiêu cuối cùng nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo trong tất cả các lĩnh vực và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.

Từ năm 2019, Singapore đã công bố kế hoạch năng lượng “4 công tắc”, bao gồm khí đốt tự nhiên, năng lượng mặt trời, lưới điện khu vực và các giải pháp thay thế ít carbon. Kế hoạch này nhằm mục đích đa dạng hóa các nguồn năng lượng và tăng tính bền vững của nguồn cung cấp điện, đồng thời đảm bảo năng lượng an ninh và cạnh tranh về chi phí.

Theo Cơ quan Thị trường Năng lượng Singapore (EMA), khí đốt tự nhiên dưới tư cách là nguồn nhiên liệu hóa thạch sạch nhất sẽ tiếp tục là nhiên liệu chủ đạo của Singapore trong tương lai gần. Năng lượng mặt trời - phương án chuyển đổi thứ hai - được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo nhiều tiềm năng cho Singapore.

Về lâu dài, nước này dự kiến, năng lượng mặt trời sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu điện vào năm 2050, đồng thời ứng dụng Hệ thống Lưu trữ Năng lượng (ESS) có tác dụng như những cục pin lớn để giải quyết tính không ổn định của năng lượng tái tạo. Tính đến năm 2023, Singapore đã triển khai ESS công suất 285 MWh trên đảo Jurong và hiện là ESS lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Singapore đồng thời khám phá các nguồn năng lượng carbon thấp khác như hydro và địa nhiệt làm nguồn phát điện tiềm năng. EMA cũng đã cấp Phê duyệt có Điều kiện (CA) việc nhập khẩu điện carbon thấp từ Campuchia, Indonesia và Việt Nam, hướng tới mục tiêu nhập khẩu 4 gigawatt điện phát thải carbon thấp vào năm 2035.

Đọc tiếp