Công viên giải trí Genting Skyworlds được khai trương đầu năm 2022 tại Malaysia là một trong các dự án được trông đợi nhất tại Đông Nam Á. |
Theo Nikkei Asia, Thái Lan đang chứng kiến một sự bùng nổ trong số lượng các dự án khách sạn hạng sang.
Trong suốt thời gian đại dịch, doanh thu từ khách sạn của tập đoàn bán lẻ Central Group đã giảm xuống chỉ còn một nửa so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên do số lượng du khách đang dần trở lại Thái Lan ngày một đông, tập đoàn đang tìm cách mở rộng các dự án khách sạn của mình, đặc biệt là trong phân khúc hạng sang.
Cụ thể tới năm 2026, Central Group đang có kế hoạch đầu tư khoảng 577 triệu USD vào hoạt động kinh doanh khách sạn của mình, bao gồm cả thương hiệu cao cấp Centara. Khoản đầu tư này sẽ nâng số lượng khách sạn mà tập đoàn đang điều hành từ 90 lên tới 200, giúp đón đầu làn sóng du lịch đang phục hồi.
Với mục đích tương tự, chuỗi khách sạn Standard International của Mỹ gần đây đã khai trương khách sạn The Standard tại Bangkok hồi tháng 7/2022. Thêm vào đó, chuỗi khách sạn Marriott International vào năm 2023 cũng sẽ đưa thương hiệu hàng đầu của mình là The Ritz-Carlton đến một trong những khu phức hợp thương mại lớn nhất của thủ đô Thái Lan: One Bangkok.
Trong khi đó tại Jakarta, Indonesia, chuỗi Hyatt Hotels đã khai trương thương hiệu khách sạn cao cấp nhất của mình là Park Hyatt tại một khu dân cư cao cấp gần dinh tổng thống hồi tháng 7/2022. Park Hyatt Jakarta là khách sạn 6 sao đầu tiên của Indonesia và đang có một khởi đầu thuận lợi khi các phòng đã được đặt kín cho kỳ nghỉ năm mới.
Khách sạn 6 sao đầu tiên của Indonesia là Park Hyatt đang chứng kiến lượt đặt phòng tích cực dù mới khai trương từ tháng 7/2022. |
Tuy nhiên, khách sạn không phải ngành duy nhất hưởng lợi mà còn có cả các công viên giải trí. Hồi tháng 2/2022, công viên giải trí được mong đợi nhất Đông Nam Á là Genting SkyWorlds đã được khai trương gần Kuala Lumpur, Malaysia. Trong khi đó, gã khổng lồ Sony Pictures Entertainment cũng khai trương công viên Columbia Pictures Aquaverse tại Thái Lan hồi tháng 10/2022.
Các quốc gia khác trong ASEAN cũng chứng kiến nhu cầu du lịch phục hồi thần tốc. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đón khoảng 96 triệu lượt khách du lịch nội địa trong 11 tháng đầu năm 2022 - vượt qua con số của năm 2019. Trong cả năm, lượng du khách nội địa dự kiến đạt 100 triệu lượt.
Các câu lạc bộ đêm và vũ trường ở Singapore cũng được phép mở cửa trở lại sau 2 năm đóng kín. Nhờ số lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên, các câu lạc bộ nổi tiếng ở nơi đây luôn đông đúc những người tới vui chơi.
Ở một diễn biến khác, sự hồi sinh của ngành du lịch và đặc biệt là khách sạn tại Đông Nam Á cũng đi kèm một số thách thức. Đầu tiên là vấn đề tiền lương khi các nhân viên trong ngành khách sạn thường có xu hướng lương thấp nhưng thời gian làm việc dài và không có nhiều ngày nghỉ. Trong khi đó, nếu các công ty buộc phải tăng lương để thu hút người lao động, thu nhập của họ sẽ không đạt được kỳ vọng.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn lại là bài toàn thiếu lao động trong bối cảnh nhu cầu du lịch dần phục hồi. Trước đó khi đại dịch lây lan khắp thế giới, nhiều khách sạn và các cơ sở dịch vụ khác đã buộc phải sa thải hàng loạt nhân viên. Tới hiện tại, dù ngành du lịch đang dần tái sinh, nhiều nhân viên trong ngành không có ý định quay trở lại do các công việc này được coi như không ổn định.
Tuyển dụng đủ lao động vì vậy chính là một trong các ưu tiên hàng đầu, đặc biệt khi ước tính của Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới cho thấy sự phục hồi của nhu cầu đi lại sẽ giúp tạo ra 126 triệu việc làm trên toàn cầu trong thập kỷ tới, với hơn 60% thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.