Bùng nổ thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2021

XNK Việt nAM
10:03 - 20/01/2022
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, Việt Nam đứng trong top 3 nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á, trong đó riêng lĩnh vực thương mại điện tử ước đạt 13 tỷ USD.

Theo số liệu từ e-Conomy SEA 2021 của Google, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 21 tỷ USD. Trong đó TMĐT đạt 13 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2020 và tăng 225% so với năm 2015. Với tốc độ phát triển như hiện nay, năm 2022 tốc độ tăng trưởng nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 29% và năm 2025 sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD.

Tính đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn phát triển TMĐT. Cụ thể, giai đoạn 2005 – 2010 là giai đoạn hình thành; giai đoạn 2010 – 2015 là giai đoạn phát triển; giai đoạn 2015 – 2020 là giai đoạn ‘nở rộ’.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng trong top 3 nước có tốc độ tăng trưởng bán lẻ online lớn nhất trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Cụ thể, năm 2021, thương mại điện tử của Indonesia đạt 53 tỷ USD, đứng thứ 2 là Thái Lan đạt 21 tỷ USD, thứ 3 là Việt Nam đạt 13 tỷ USD.

Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam có thể đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á. Bộ Công Thương cho rằng, nền kinh tế số của Việt Nam đang ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của toàn cầu và cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet. Đặc biệt, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP HCM chiếm 70% lượng giao dịch điện tử, phần còn lại thuộc về các đô thị khác và vùng nông thôn. Trong đó, 53% người dân sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng.

Theo bà Thúy, trong thời gian tới, giao dịch điện tử sẽ tăng trưởng ấn tượng, bao gồm cả khu vực nông thôn. Lý giải về điều này, Chính phủ và Bộ Công Thương trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai các đề án, đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ nâng cao năng lực và nhận thức cho người dân trên cả nước.

Theo bảng xếp hạng của iPrie về doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam, trong năm 2021, nền tảng chiếm thị phần lớn nhất là Shopee. Nền tảng này chiếm tới hơn 63 triệu lượt truy cập web mỗi tháng. Đứng thứ hai là Thế giới di động đạt 29 triệu lượt; thứ 3 là Tiki đạt 19 triệu lượt.

Báo cáo “Digital in Vietnam 2021” của We Are Social và HootSuite đã khảo sát người dùng Internet từ độ tuổi 16 – 24 ở Việt Nam về thương mại điện tử cho thấy, 85,5% người dùng đã từng tìm kiếm một sản phẩm hoặc dịch vụ qua Internet; 77,3% người dùng đã truy cập một cửa hàng trực tuyến hoặc sàn thương mại điện tử; 78,7% người tiêu dùng đã từng mua hàng online.

Trong thời gian tới, xu hướng chuyển dịch sang dùng nền tảng di động sẽ tăng cao do nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh. Từ đó, dự báo số lượng người sử dụng và lượt truy cập cũng như các giao dịch sẽ tăng lên. Đặc biệt, thanh toán ví điện tử sẽ dần thay thế thanh toán truyền thống khi mà đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Chính sách đóng vai trò quan trọng phát triển TMĐT tại Việt Nam

Năm 2005, Bộ Công Thương lần đầu tiên tiếp cận sơ khai về thương mại điện tử. Trong các giai đoạn tiếp theo, Bộ cùng Chính phủ đưa ra các đề án về thương mại điện tử. Theo bà Bùi Thanh Hằng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong năm 2020, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực của thương mại điện tử trong nền kinh tế.

Trong đó, với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tập trung vào 3 trụ cột chính, bao gồm: Xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu, chế độ báo cáo của Chính phủ sẽ được số hóa; tỷ trọng kinh tế số trong ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ người dân sử dụng ví thanh toán điện tử đạt trên 50%.

Nghị quyết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh kinh tế số, đưa nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2025 chiếm 20% GDP và năm 2030 chiếm hơn 30% GDP. Kế hoạch tổng thể quốc gia về thương mại điện tử giai đoạn 2021 -2025, đặt mục tiêu 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, thanh toán ví điện tử đạt 50% trong tổng số người dùng.

Mới đây, Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 – 2030”. Hoạt động này tập trung vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, qua đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp tham gia.

Đặc biệt, năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 85 về thương mại điện tử nhằm sửa đổi và bổ sung một số điều tại Nghị định 53 đã được ban hành trước đó. Trong đó, về quy định chủ thể thương mại điện tử, các thương nhân cung cấp hạ tầng logistic cũng được coi là chủ thể thương mại điện tử.

Tin liên quan

Đọc tiếp