Trong quý 2/2023, Thiên Long ghi nhận doanh thu đạt 1.069,3 tỷ đồng. |
CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã chứng khoán TLG) ngày 27/7 công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.069,3 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp của công ty từ đó cũng giảm 1,7% xuống còn khoảng 478 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của TLG tăng 23% lên 17,6 tỷ đồng, chủ yếu do tăng thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng. Chi phí tài chính tăng 133% so với quý 2/2022 lên 9 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 8,% lên 196 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 5,2% về còn 81,2 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế phí, TLG báo lãi quý 2/2023 hơn 168,2 tỷ đồng, giảm 9,3% so với thực hiện của quý 2 năm ngoái.
Trong văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận, TLG cho biết, công ty đã đẩy mạnh đầu tư vào đội ngũ nhân sự nhằm chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai, đầu tư cho phát triển thương hiệu...dẫn đến chi phí hoạt động trong kỳ tăng lên khiến lợi nhuận sau thuế giảm so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Thiên Long ghi nhận doanh thu 1.987,8 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 10,6%, từ hơn 300 tỷ đồng xuống còn 268,2 tỷ đồng.
Trong năm 2023, TLG đặt kế hoạch tổng doanh thu là 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, TLG hoàn thành được 67% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Thiên Long tại ngày 30/6/2023 ghi nhận con số 3.031,4 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm. Chiếm phần lớn là 2.286,6 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, bao gồm 361,2 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; 262 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn; 834,1 tỷ đồng hàng tồn kho và gần 728 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn...
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty tăng 13% so với cuối năm 2022, lên 1.028,8 tỷ đồng, chủ yếu là hơn 933 tỷ nợ ngắn hạn, trong đó 295,6 tỷ đồng vay ngắn hạn; 209,2 tỷ đồng phải trả bán người bán ngắn hạn; 155,6 tỷ đồng cổ tức phải trả...
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, Thiên Long đã thực hiện nhiều chiến dịch tái định vị cho hầu hết các thương hiệu như ColoKit, Thiên Long, Bizner và mang về hiệu quả tích cực. Doanh thu thuần của Tập đoàn Thiên Long trong năm 2022 ghi nhận hơn 3.520 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 400 tỷ đồng, lần lượt vượt 8% và 43% theo kế hoạch đề ra.
Việc tái định vị đã giúp Tập đoàn Thiên Long giải được bài toán động lực tăng trưởng cho các sản phẩm khi dư địa thị phần không còn quá nhiều cũng như tạo lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ nước ngoài vốn đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường.
Định hướng trong năm nay, TLG sẽ tập trung nâng cao thương hiệu dụng cụ văn phòng phẩm FlexOffice và ColoKit; mở rộng kênh phân phối và danh mục sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường chính khu vực Đông Nam Á thông qua việc phát triển các điểm bán mới cũng như đẩy mạnh phát triển thêm nhiều mã sản phẩm lưu kho tại mỗi điểm bán và các thị trường quốc tế châu Âu, châu Phi và Trung Đông.