'Cá mập ngoại' trên sàn Việt Pyn Elite đầu tư âm do lực kéo từ mảng ngân hàng

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
13:30 - 05/03/2022
Ông Petri Deryng, người quản lý quỹ Pyn Elite Fund.
Ông Petri Deryng, người quản lý quỹ Pyn Elite Fund.
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 2, mã ngân hàng HDB và CTG giảm 7% và 10% so với tháng 1 khiến hiệu suất đầu tư của quỹ ngoại Pyn Elite Fund âm gần 3%. Nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài, quỹ đầu tư Hà Lan này dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có những diễn biến xấu hơn.

PYN Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 2 với quy mô danh mục đạt hơn 857 triệu Euro, tương ứng hơn 1 tỷ USD. Mặc dù VN-Index tăng 0,76% so với tháng 1 nhưng chỉ số đầu tư của Pyn Elite lại giảm 2,85%. Hiệu suất tháng 2 của nhà đầu tư Hà Lan bị kéo xuống do các cổ phiếu CTG, VHM, HDB và VRE, trong khi được hỗ trợ bởi ACV, VEA, NLG và KDH.

Theo PYN Elite Fund, cuộc đụng độ quân sự giữa Nga vào Ukraine vào tuần cuối cùng của tháng Hai, cũng như những căng thẳng tích tụ trước sự kiện này đã tạo ra sự phân hóa lớn trong các nhóm cổ phiếu của Việt Nam. Trong khi ngành Năng lượng phục hồi với tỷ lệ tăng 10%, ngành Vật liệu + 12% thì nhóm ngành tài chính -2,3%, ngành Bất động sản -2,7%.

Hiện trong danh mục top 10 cổ phiếu nắm giữ của PYN Elite Fund có tới 4 mã ngân hàng: CTG (VietinBank, 14,7%), TPB (TPBank, 9,9%), MBB (MBBank, 9,9%), HDB (HDBank, 5,6%). Vì vậy, việc CTG -10,2% và HDB -6,8% đã ảnh hưởng lớn đến hiệu suất đầu tư trong tháng vừa qua.

Pyn Elite Fund đã có nhiều năm đầu tư tại Việt Nam, hiện là một trong những nhóm quỹ tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cùng với VEIL do Dragon Capital quản lý, VOF thuộc VinaCapital… Năm 2021, Pyn Elite Fund đạt hiệu suất đầu tư tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, với 42,7%.

Trước đó vào năm 2012, hiệu suất của Pyn Elite Fund đạt kỷ lục 64%. Những năm sau đó mức tăng trưởng trung bình gần 14%/năm, và có 2 năm âm là 2015 và 2018.

Hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund trong những năm qua.

Hiệu suất đầu tư của Pyn Elite Fund trong những năm qua.

Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới, Pyn Elite Fund cho rằng, mặc dù CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 2 tăng 1,0% so với tháng trước do giá xăng dầu tăng nhưng lạm phát so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức ổn định, chỉ ở mức 1,42%. Quá trình phục hồi đang trên đà phát triển, với PMI (chỉ số quản lý thu mua) sản xuất 54,3 trong tháng 2, cải thiện hơn mức 53,7 trong tháng 1; nhờ nhu cầu của khách hàng và các đơn đặt hàng mới tăng cao.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp + 5,4% so với cùng kỳ; vốn FDI giải ngân + 7,2% so với cùng kỳ.

Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp tối thiểu từ chiến tranh Nga-Ukraine vì tổng giá trị thương mại giữa hai nước chỉ chiếm khoảng 1% tổng giao dịch. Áp lực lạm phát rõ ràng hơn nhưng vẫn có thể kiểm soát được xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ, vì các thành phần liên quan đến năng lượng (không bao gồm điện) chỉ chiếm 5% trong rổ tính CPI.

Từ đây, quỹ ngoại Hà Lan đưa ra hai kịch bản chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, thị trường chứng khoán có thể sẽ bị suy yếu trong những tuần tiếp theo dù triển vọng về nền kinh tế của Việt Nam rất tốt. Nếu ngược lại, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ kết quả tình hình kinh doanh khả quan của các công ty niêm yết.

Trong danh mục đang nắm giữ, Pyn Elite đánh giá cao sự hồi phục của cổ phiếu ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam), với mức tăng trưởng 10,2% trong tháng 2. Đây là kết quả tích cực từ việc các hãng hàng không ồ ạt đẩy mạnh khai thác sau khi nối lại đường bay quốc tế. Số lượng hành khách thông qua các sân bay của Việt Nam đã tăng lên 4 triệu trong tháng 1 và 6 triệu vào tháng 2. Lưu lượng di chuyển trong nước xung quanh kỳ nghỉ Tết gần đạt mức trước khi Covid-19 ập đến. Pyn Elite dự đoán, thu nhập của ACV sẽ trở lại mức năm 2019 vào năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp