Ảnh minh họa. |
Tuy tổng lượng khách chung cả nước giảm nhưng một số thị trường du lịch trọng điểm vẫn giữ vững phong độ, trong đó một số nơi có lượng khách tăng. TP HCM dẫn đầu cả nước với 960.000 lượt (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022). Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng 80%, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.890 tỷ đồng, tăng 5,5,% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hà Nội ước đón và phục vụ 640.000 lượt khách (tăng 51% so với cùng kỳ 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ).
Các tỉnh khác như Khánh Hoà đón 503.154 lượt khách, tăng 141% so với cùng kỳ; Bà Rịa - Vũng Tàu đón 502.865 lượt khách, tăng 28,26% so với cùng kỳ; Thanh Hoá ước đón và phục vụ 328.000 lượt khách, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2022, Đà Nẵng ước đón và phục vụ khoảng 254.000 lượt khách, tăng 6,3% so với cùng kỳ,...
Các địa phương ghi nhận lượng khách giảm năm nay tập trung nhiều nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng của bão Saola. Tại Kiên Giang do thời tiết không thuận lợi, khách tới địa phương này giảm 32,9% so với cùng kỳ; Cần Thơ ước đón khoảng 180.000 lượt, giảm 4% so với cùng kỳ, An Giang đón 220.000 lượt khách, giảm 15% so với cùng kỳ,...
Số khách du lịch quốc tế tới các địa phương trọng điểm du lịch cơ bản tăng, như Hà Nội ước đón hơn 41.700 lượt (tăng 83,6% so với cùng kỳ); TP HCM ước đón 37.600 lượt (tăng 15% so với cùng kỳ); Khánh Hòa ước đón 23.450 lượt (tăng 363,34% so với cùng kỳ);…
Trong đó, chủ yếu là khách mang các quốc tịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ với thời gian lưu trú khoảng 4-5 đêm. Hoạt động đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam đa dạng trên cả đường hàng không, đường bộ và đường thuỷ.
Theo Cục Du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch diễn ra nhộn nhịp, tuy nhiên không hiệu quả, bùng nổ như các kỳ nghỉ trước trong năm. Một số địa phương trọng điểm du lịch không thu hút được lượng khách như kỳ vọng, dẫn tới lượng tổng lượng khách giảm so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm 2022, lượng khách năm nay giảm khoảng 16,7%.
Nguyên nhân là do một bộ phận khách chỉ chọn đi gần và đi tự túc gần nhà, ngay tại nơi sinh sống (staycation, drivecation). Bên cạnh đó, kỳ nghỉ 2/9 năm nay sát với Lễ Vu Lan và cận ngày tựu trường, đồng thời khách nội địa vừa trải qua kỳ du lịch hè nên nhiều khách lựa chọn về quê và sum họp gia đình trong dịp nghỉ lễ.
Tổng thu du lịch giảm do xu hướng du lịch của khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng (máy bay, tàu) trong khi giá dịch vụ vận chuyển tăng trong những ngày cao điểm.
Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trước Lễ đã có thông tin cảnh báo mưa lớn và ảnh hưởng của bão số 3 (Saola) tại khu vực miền Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến tàu tới các khu, điểm du lịch đảo phải ngưng hoạt động ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, khách hủy tour, thay đổi lịch trình sang điểm đến khác.
Khách du lịch nội địa có lưu trú trong nước giảm một phần cũng do một bộ phận khách chọn đi du lịch nước ngoài.