Các hợp tác xã kiến nghị chính sách hỗ trợ để kích hoạt chuyển đổi số

HTX số hóa
20:56 - 23/09/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu về cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX bên lề Diễn đàn. Ảnh: MPI.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu về cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX bên lề Diễn đàn. Ảnh: MPI.
0:00 / 0:00
0:00
Để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát huy đúng vai trò là một trong bốn thành phần quan trọng của nền kinh tế, Liên minh hợp tác xã các địa phương cho rằng cần nhiều hơn những chính sách riêng, ưu tiên đầu tư cho khu vực này.

Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, ngày 23/9 với chủ đề: Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông khẳng định, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một trong 4 thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Để khu vực kinh tế này phát huy vai trò, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản mang tính chiến lược.

Ảnh: MPI.

Ảnh: MPI.

“Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách, chuyển đổi số cũng là một trong những nội dung lớn của Nghị quyết 20, Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương triển khai những nhiệm vụ cụ thể giúp hợp tác xã chuyển đổi số”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký hợp tác xã trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đảm bảo công bằng, minh bạch trong việc tham gia và rút lui khỏi thị trường của các HTX, như đối với doanh nghiệp.

Thành lập và vận hành Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia để xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc, cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Kiến nghị chính sách riêng cho hợp tác xã về chuyển đổi số

Về vấn đề chuyển đổi số, đại diện hợp tác xã các địa phương đã nêu thực trạng hiện nay và kiến nghị những chính sách hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, qua khảo sát 420 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có 100% HTX trang bị máy tính trong điều hành công việc, khoảng 50% HTX sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của các HTX tại Thanh Hóa diễn ra còn rất chậm với quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao, đơn giản. Các kỹ năng về thương mại điện tử, tìm kiếm, đánh giá, quản lý thông tin và truyền thông số. Ứng dụng mô hình kinh doanh mới đều chỉ đạt mức độ thấp, chưa có HTX nào có Website.

Do đó, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ có chính sách đầu tư thỏa đáng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX nói chung và lĩnh vực chuyển đổi số nói riêng.

“Chính quyền các địa phương có cơ chế hỗ trợ để các HTX có điều kiện tiếp cận công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX cấp tỉnh xây dựng các đề án cụ thể theo từng giai đoạn để hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số”, ông Nguyễn Đình Tuấn nêu đề xuất.

Các đại biểu kiến nghị chính sách với Chính phủ. Ảnh: MPI.

Các đại biểu kiến nghị chính sách với Chính phủ. Ảnh: MPI.

Một ý kiến khác đến từ đại diện Liên minh HTX Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 30% số HTX ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc quản lý nhân sự, sử dụng phần mềm kế toán, soạn thảo văn bản. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại trở ngại do tư duy, tâm thế thay đổi và trình độ của đội ngũ quản lý, điều hành HTX còn chưa “mặn mà” với việc chuyển đổi.

Từ thực trạng đó, Liên minh HTX Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ và các Bộ/ngành có chính sách riêng dành cho các HTX tham gia chuyển đổi số, như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về vốn, đất đai, khoa học công nghệ mới, hình thành sàn giao dịch sản phẩm HTX cấp quốc gia...

“Việc bố trí nguồn lực nhất định cho các địa phương thực hiện chuyển đổi số là rất quan trọng, nhất là thực hiện chuyển đổi số làm động lực trong phát triển HTX. Liên minh HTX Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu xây dựng các mô hình chuỗi giá trị tại địa phương, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, vị đại diện này nêu ý kiến.

Sáu giải pháp trọng tâm

Dự báo xu hướng phát triển của HTX thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhìn nhận, chuyển đổi số là xu thế tất yếu mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới, trong đó có Việt Nam.

Ảnh: MPI.

Ảnh: MPI.

"Đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, chuyển đổi số là số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ, để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử, tăng hiệu quả kinh doanh, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử nhanh, gọn, chính xác... Từ đó giúp các HTX ngày càng gia tăng năng lực cạnh tranh".

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo

Để thích ứng với xu thế phát triển, trong bối cảnh thương mại thế giới có những thay đổi, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, ông Bảo đề xuất 6 giải pháp trọng tâm để công cuộc chuyển đổi số khu vực kinh tế tập thể đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Thứ nhất, đổi mới, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số thông qua đẩy mạnh công tác truyền thông (tuyên truyền, tham quan học hỏi, chia sẻ...) để nâng cao hiểu biết, giúp HTX chủ động thực hiện chuyển đổi số.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong HTX bằng các chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc. Cập nhật, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ số mới trong sản xuất, kinh doanh như: Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT), trí tuệ nhân tạo, công nghệ điều khiển tự động, bán tự động, thu thập, phân tích số liệu.

Thứ ba, tập trung huy động nguồn tài chính để thực hiện chuyển đổi số, có lộ trình và phương án, dự án khả thi hỗ trợ cho HTX tiếp cận các nguồn vốn thực hiện chuyển đổi số.

Thứ tư, xây dựng mô hình HTX điểm thực hiện chuyển đổi số và triển khai chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số cho các HTX tham gia. Ưu tiên tập trung chỉ đạo, hỗ trợ việc xây dựng các mô hình HTX trên từng lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn về chuyển đổi số trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số của HTX.

Thứ sáu, xây dựng hệ thống thông tin về quản lý Nhà nước về HTX và xây dựng nền tảng số chung cho HTX.

Tin liên quan

Đọc tiếp