Theo dữ liệu của Hiệp hội trái phiếu Việt Nam (VMBA), tháng 7 vừa qua có 21 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá hơn trị 13.600 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm 2024, thị trường ghi nhận 11 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.777 tỷ đồng và 158 đợt phát hành riêng lẻ trị giá gần 150.000 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về giá trị phát hành với khoảng 96.200 tỷ đồng, lãi suất bình quân khoảng 5,4%/năm, kỳ hạn 4 năm. Một số ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Techcombank (17.000 tỷ đồng), ACB (12.700 tỷ đồng), MBBank (8.900 tỷ đồng),...
Ngành bất động sản đứng thứ hai với khoảng 32.600 tỷ đồng huy động, lãi suất bình quân cao lên đến 12%/năm, với kỳ hạn ngắn hơn chỉ khoảng 2,7 năm. Tuy nhiên, VBMA cũng cho biết, tỷ lệ chậm trả trái phiếu của nhóm này cũng đang gia tăng nhanh chóng, với 116 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán, chiếm khoảng 21% dư nợ toàn thị trường.
Trong thời gian tới, các ngân hàng đã thông qua nhiều kế hoạch phát hành trái phiếu lớn. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LPBank (mã LPB) dự kiến phát hành tối đa 12 đợt trái phiếu, tổng giá trị 6.000 tỷ đồng để tăng vốn cấp 2 và cho vay khách hàng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm với tổng giá trị tối đa 3.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5-10 năm.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam dự kiến có 2 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo, với giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng.
Ở nhóm bất động sản, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) sắp phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu mới dự kiến có kỳ hạn 3 năm, tài sản đảm bảo là gần 34,5 triệu cổ phần CTCP Southgate thuộc sở hữu của Nam Long.
Bên cạnh việc phát hành mới sôi động trở lại, tỷ lệ chậm trả tiếp tục tăng nhanh, khi nhiều doanh nghiệp đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Tháng 7 ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán tiền gốc, nâng tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.
Theo đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng gần 210 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ toàn thị trường, trong đó nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 68%.
Những tháng còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu dự kiến sẽ đến hạn là gần 131.000 tỷ đồng, hơn 41% số này thuộc nhóm bất động sản, theo sau là ngân hàng chiếm 14,6%.